Thế giới ghi nhận trên 3.426.000 ca mắc COVID-19, 240.488 ca tử vong

Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 21h ngày 2/5 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 3.426.382 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 240.488 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 1.093.950 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế Maimonides ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 23/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, với lần lượt là 1.134.059 ca mắc bệnh và 65.886 ca tử vong. 

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm của Mỹ (FDA) thông báo đã cấp phép sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo thông báo, FDA sẽ trao quyền cho công ty dược phẩm Gilead Sciences sử dụng khẩn cấp thuốc Remdesivir, mở ra cơ hội sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện của Mỹ trong thời gian tới. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng đã lên kế hoạch đẩy nhanh việc bào chế vaccine với mục tiêu có 100 triệu liều vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, châu Âu đã ghi nhận ít nhất 1.506.853 ca mắc COVID-19, trong đó có 140.260 ca tử vong. Theo đó, châu Âu là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. 

Tây Ban Nha hiện là quốc gia đứng đầu châu Âu về số người nhiễm, với tổng cộng 242.988 ca, trong đó 25.100 ca tử vong. Với 207.428 ca mắc và 28.236 ca tử vong, Italy đứng thứ hai châu Âu về số ca nhiễm, nhưng đứng đầu châu lục về số ca tử vong. Anh có 177.454 ca mắc và 27.510 ca tử vong, Pháp có 167.346 ca mắc và 24.594 ca tử vong, Đức có 164.077 ca mắc và 6.736 ca tử vong.

Sau 48 ngày thực hiện lệnh phong tỏa trên cả nước để chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kể từ ngày 2/5, người dân Tây Ban Nha bắt đầu được phép đi dạo hoặc chơi thể thao bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều quy định hạn chế vẫn được duy trì.

Tây Ban Nha thực hiện một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới kể từ ngày 14/3 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, theo đó người lớn chỉ được phép ra khỏi nhà để mua lương thực, thuốc men hoặc dắt chó đi dạo.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện Sant'Orsola-Malpighi ở Bologna, Italy ngày 29/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Italy, Bộ Giáo dục nước này đã thông báo đóng cửa các trường học phổ thông đến tháng 9, song đang lên kế hoạch mở cửa trở lại các trường mầm non và tổ chức học Hè với quy mô nhỏ để trẻ em vui chơi sau 2 tháng thực hiện lệnh cách ly nghiêm ngặt. Theo kế hoạch được công bố trên nhật báo "Corriere della Sera" ngày 2/5, các trường mẫu giáo và nhà trẻ có thể hoạt động trở lại vào tháng 6 tới với các nhóm nhỏ trẻ từ 0-6 tuổi. 

Lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 tiếp tục lây lan, Chính phủ Pháp đã quyết định gia hạn các biện pháp khẩn cấp y tế thêm 2 tháng, đến ngày 24/7. Quyết định này cần được Quốc hội Pháp thông qua. 

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Nga. Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của LB Nga cho biết, tính đến trưa 2/5, nước này đã ghi nhận thêm 9.623 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn liên bang lên 124.054 người. Cũng trong vòng 24 giờ tại LB Nga có 57 ca tử vong do mắc COVID-19, đưa tổng số người tử vong lên 1.222, và 1.793 người khỏi bệnh, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 15.013 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm trong 1 ngày cao nhất - với 5.358 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Porto Alegre, Brazil,ngày 15/4/2020.Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Nam Mỹ, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Brazil, chính quyền thành phố Rio de Janeiro đã mở cửa bệnh viện dã chiến thứ 2 để cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19. Đây là bệnh viện dã chiến lớn nhất trong 9 bệnh viện dự kiến sẽ được thiết lập tại thành phố này với hơn 500 giường vệnh, 100 phòng chăm sóc đặc biệt và 15 phòng chạy thận nhân tạo. Bang Rio de Janeiro hiện là địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch COVID-19 tại Brazil - với 9.453 ca nhiễm và 854 ca tử vong. Brazil đã ghi nhận tổng cộng 92.630 ca nhiễm và 6.424 trường hợp tử vong. 

Tại Đông Nam Á, nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi tình hình dịch bệnh chuyến biến tích cực. Brunei không có ca nhiễm mới nào trong 13 ngày liên tiếp, Việt Nam cũng không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 8 ngày liên tiếp. Thái Lan ngày thứ 6 liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 1 con số. 

Trong khi đó, Malaysia ngày 2/5 ghi nhận thêm 105 ca nhiễm mới. Đây cũng là ngày đầu tiên kể từ ngày 16/4 - thời điểm nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế, số ca nhiễm mới tại Malaysia tăng trở lại 3 con số. Theo Bộ Y tế Malaysia, trong số 105 ca nhiễm mới nói trên có 94 ca nhiễm trong nước và 11 ca nhập cảnh.

Lan Phương (TTXVN)
COVID-19 khiến phe chống Trung Quốc trong chính quyền Mỹ thắng thế
COVID-19 khiến phe chống Trung Quốc trong chính quyền Mỹ thắng thế

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), thế lực theo quan điểm cứng rắn ở cả Bắc Kinh và Washington đều gia tăng nỗ lực nhằm phân tách những cấu thành trong quan hệ song phương Mỹ-Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN