Thế giới ghi nhận trên 150,5 triệu ca mắc, 3,1 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 29/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 150.562.356 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.168.436 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 128.026.228 người.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 32.986.039 ca, trong đó có 588.361 ca tử vong. Tuy nhiên,  số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này đã chững lại đáng kể. Trong khi đó, Ấn Độ - nước chịu ảnh hưởng lớn thứ 2 thế giới lại đang là "tâm chấn" mới của đại dịch COVID-19. Với 379.257 ca nhiễm mới được công bố trong ngày- mức cao nhất từ trước tới nay, hiện tổng số ca mắc tại quốc gia Nam Á này đã vượt 18 triệu ca.

Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.654 ca, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 3.000 người và đây cũng là mức cao kỷ lục mới. Tổng số ca tử vong tại nước này hiện là 205.942 ca. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ấn Độ chiếm tới 38% tổng số ca mắc mới, tương đương 2.172.063 ca, được ghi nhận trong giai đoạn 7 ngày kết thúc vào ngày 25/4. Sự gia tăng số ca mắc ở Ấn Độ được cho chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên B.1.617. Biến thể này chứa hai đột biến đáng lo ngại là E484Q và L425R, có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến thể mới khác tại Ấn Độ.

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh tại Campuchia diễn biến đáng lo ngại, khi ghi nhận thêm 880 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là  ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới của nước này ở mức cao nhất từ trước đến nay. Thủ đô Phnom Penh vẫn có số ca nhiễm mới cao nhất cả nước với 518 ca, tiếp theo là hai tỉnh Preah Sihanouk (187 ca) và Kandal (73 ca). Hiện tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Campuchia là 12.641 ca. Đáng lo ngại, có tới gần 2.000 công nhân thuộc 206 nhà máy tại nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi hơn 17.000 người khác phải thực hiện cách ly.

Chú thích ảnh
 Cảnh vắng vẻ trên đường phố trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại Luang Prabang, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Lào thông báo ghi nhận 68 ca mắc mới COVID-19 tại 8 tỉnh/thành trên cả nước. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục có số người mắc mới cao nhất với 34 ca, tiếp đó là tỉnh Champasak ghi nhận 11 ca, Bokeo 10 ca, Luang Prang 8 ca... Mặc dù số ca tại thủ đô Viêng Chăn giảm, nhưng việc số ca nhiễm mới ở Champasak, Luang Prabang, Bokeo và một loạt tỉnh khác ở Bắc Lào không có dấu hiệu giảm cho thấy dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Lào. Tính tới thời điểm hiện nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 672 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 600 ca phát hiện trong tháng 4 này và phần lớn là các ca lây nhiễm cộng đồng.

Trước tình hình trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã ra thông báo về tình hình dịch bệnh và việc làm thủ tục lãnh sự tại Đại sứ quán. Theo đó, Đại sứ quán tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Lào trong thời gian Lào áp dụng lệnh phong tỏa không nên rời khỏi nơi cư trú, trừ trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, tất cả người Việt tại Lào cần tự giác khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng Lào trong việc truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 khi được yêu cầu.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 theo ngày ở Thái Lan đã giảm xuống dưới 2.000 ca trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh này vẫn ở mức hai con số. Cụ thể, trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 1.871 ca nhiễm mới (trong đó có 7 ca ngoại nhập) và 10 ca tử vong. Như vậy, tính đến nay Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 63.570 ca mắc COVID-19, trong đó có 188 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Malaysia đã quyết định áp đặt Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) tại 9 địa phương thuộc 3 bang ở nước này trong 14 ngày, từ ngày 29/4-12/5. Với việc áp dụng đồng thời MCO và Tình trạng khẩn cấp trong khi thúc đẩy chương trình tiêm chủng, số ca mắc mới COVID-19 ở Malaysia đã giảm và lần đầu tiên trong hơn 3 tháng qua trở về mức 3 chữ số (941 ca trong ngày 29/3). Tuy nhiên, số ca mắc mới đã tăng cao trở lại sau khi quốc gia Đông Nam Á này nới lỏng một số hạn chế phòng dịch. Từ ngày 15/4 đến nay, số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Malaysia đã trở lại mức trên 2.000 ca và lần đầu tiên trong hơn 2 tháng qua trở lại trên ngưỡng 3.000 ca (ngày 28/4).

Dịch bệnh hiện cũng diễn biến phức tạp tại Nhật Bản khi tổng số ca mắc mới tại nước này ở mức cao nhất trong 3 tháng, với 5.793 ca. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận tới 1.027 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong 3 tháng qua. Từ đầu tuần này, thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây của Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Số ca mắc mới COVID-19 tại thủ đô Tokyo bắt đầu tăng trở lại từ giữa tháng 3 vừa qua sau thời gian liên tục giảm. Trung bình số ca mắc mới tại Tokyo trong 7 ngày qua đã tăng lên mức 782,1 ca, tăng 14,3% so với giai đoạn 7 ngày trước đó.

Đáng lo ngại, các chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) nhận định các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang thay thế virus ban đầu trên khắp nước này. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia bày tỏ lo ngại về khả năng số bệnh nhân nguy kịch sẽ gia tăng, nhất là trong số người cao tuổi, trong bối cảnh số ca nhiễm mới lẫn tỷ lệ bệnh nhân nguy kịch trong số các ca nhiễm mới đã tăng mạnh, từ 1,6% trong số những người nhiễm virus gốc lên 5,5% trong số những người nhiễm phải các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Không chỉ vậy, số ca nhiễm mới đang gia tăng không chỉ ở các khu vực nằm trong phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp và khu vực phòng dịch trọng điểm mà còn cả các khu vực khác.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở thủ đô Moskva (Nga) đã tăng tới 75% lên tới 3.215 ca nhiễm mới. Cuộc sống ở thủ đô Moskva đã trở lại bình thường kể từ tháng 1 vừa qua khi nhà chức trách dỡ bỏ các hạn chế đối với nhân viên văn phòng, cho phép các quán bar và nhà hàng mở cửa xuyên đêm. Với tổng số gần 4,8 triệu ca mắc, hiện Nga có số ca mắc cao thứ 5 thế giới.

Tuy nhiên, một số nước trong châu lục, trong đó có Ireland và Pháp, đã quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế. Cụ thể, Ireland sẽ mở cửa các khách sạn vào ngày 2/6, trong khi các nhà hàng được phép phục vụ khách ở khu vực ngoài trời từ ngày 7/6. Ireland là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp nhất ở châu Âu, song lại mở cửa nền kinh tế chậm hơn nhiều nước cùng châu lục sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến vào tháng 12/2020.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết chính phủ nước này sẽ nới lỏng lệnh giới nghiêm ban đêm, theo đó giờ giới nghiêm bắt đầu từ 19h00 như hiện nay sẽ được chuyển sang thành 21h00 từ ngày 19/5 và sau đó là 23h00 từ ngày 9/6. Đến ngày 30/6, lệnh giới nghiêm này sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Bên cạnh đó, từ ngày 19/5, các nhà hàng, quán cà phê và quán bar sẽ được phép mở cửa trở lại ở khu vực ngoài trời. Các viện bảo tàng, rạp chiếu phim và rạp hát cũng sẽ được mở lại cùng ngày này. Từ ngày 9/6, các du khách nước ngoài có giấy chứng nhận y tế sẽ được phép vào lại Pháp.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Worcester, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhằm có thể nhanh chóng khống chế dịch bệnh, các nước đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Theo báo cáo của công ty dữ liệu y tế IQVIA của Mỹ, tổng chi tiêu toàn cầu cho vaccine ngừa COVID-19 sẽ lên tới 157 tỷ USD vào năm 2025, căn cứ vào các chương trình tiêm chủng đại trà đang được tiến hành. IQVIA hy vọng "làn sóng" tiêm chủng đầu tiên sẽ bao phủ 70% dân số thế giới trước cuối năm 2022. Dựa trên các dữ liệu hiện nay về thời gian hiệu quả của vaccine, dự kiến cứ sau 2 năm sẽ cần tiêm nhắc lại.

Nghị viện châu Âu (EP) đã thống nhất quan điểm về chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, kể từ tháng 6 tới, thời điểm bước vào kỳ nghỉ hè ở châu Âu, EU dự định cho phép sử dụng một loại chứng nhận để thể hiện việc tiêm phòng, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và/hoặc bằng chứng đã khỏi bệnh của người sở hữu loại giấy tờ này. Hiện các công tác kỹ thuật đang được thực hiện để đảm bảo rằng chứng nhận này được tất cả 27 quốc gia thành viên EU chấp thuận.

 EC và EP cũng nhất trí rằng các vaccine được chấp nhận trên toàn khối sẽ là những loại đã được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn, bao gồmvaccine của hãng BioNTech/Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson. Trong khi đó, một số nước đã tiêm vaccine của Nga hoặc Trung Quốc, như Hungary, có thể chấp nhận các loại vaccine khác nếu muốn. Dự kiến, một cuộc thử nghiệm sử dụng chứng nhận trên sẽ được thực hiện vào tháng 5, trước khi sáng kiến này được khởi động trên toàn EU.

Ngọc Hà (TTXVN)
COVID-19 tại ASEAN hết 29/4: Số ca mắc mới ở Campuchia cao choáng váng; Các nước tăng cường phòng dịch
COVID-19 tại ASEAN hết 29/4: Số ca mắc mới ở Campuchia cao choáng váng; Các nước tăng cường phòng dịch

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 29/4, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 20.340 ca mắc COVID-19 và 360 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.382.582 ca, trong đó 67.537 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN