Đây là số liệu cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi dịch xuất hiện vào cuối năm 2019 và được hãng AFP thống kê dựa trên dữ liệu số ca mắc mới trong ngày mà giới chức y tế các nước thông báo. Trong khi đó, một số lượng lớn các ca có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng chưa được phát hiện dù nhiều nước đã đẩy mạnh công tác xét nghiệm.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 22 - 28/12, thế giới ghi nhận tổng cộng 6.550.000 ca mắc, tức là trung bình 935.863 ca/ngày, phản ánh virus SARS-CoV-2 đang lan với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Số liệu này cũng cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó được ghi nhận từ 23 - 29/4 khi thế giới ghi nhận trung bình 817.000 ca/ngày.
Hiện hầu hết các ca mắc mới ghi nhận ở châu Âu. Châu lục này có trên 3,5 triệu ca mới trong 7 ngày qua, tức là trung bình 510.000 ca/ngày. Đây cũng là mức cao nhất mà châu lục này ghi nhận khi trong những làn sóng trước, châu Âu chưa bao giờ có số ca mắc mới mỗi ngày vượt mức 300.000 ca.
Còn theo hãng tin Reuters (Anh), số ca mắc mới tại Mỹ, phần lớn các quốc gia châu Âu và Australia liên tục tăng lên các mức cao chưa từng có trong thời gian gần đây khi biến thể Omicron lây lan vượt kiểm soát. Ngày 28/12, Anh, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Malta đều ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19 trong ngày. Thống kê của Reuters cũng chỉ ra trung bình số ca mắc mới tại Mỹ trong 7 ngày gần nhất đã lên kỷ lục mới, cao nhất kể từ tháng 1.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Australia cũng tăng lên gần 18.300 ca, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 11.300 ca được ghi nhận trước đó chỉ 1 ngày. Chính phủ nước này đang tìm cách để giúp các phòng xét nghiệm thoát khỏi tình trạng quá tải.
Cảnh tượng người dân xếp hàng dài chờ đợi xét nghiệm cũng xuất hiện ở nhiều nước châu Âu. Tại Tây Ban Nha, vùng Madrid còn thiếu trầm trọng kit xét nghiệm khi các hàng dài người xếp hàng bên ngoài các hiệu thuốc để được xét nghiệm.
Số ca mắc mới bắt đầu tăng trên toàn cầu từ giữa tháng 10 và trong giai đoạn từ 22 - 28/12 đã tăng 37% so với giai đoạn 7 ngày trước đó. Ngày 28/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca mắc tăng nhanh có thể do 2 nguyên nhân kết hợp gồm khả năng miễn dịch của con người giảm dần trong khi khả năng lây lan của biến thể Omicron tăng. WHO nhận định nhìn chung nguy cơ từ biến thể Omicron vẫn rất cao.
Đến nay, tình trạng bùng nổ số ca mắc mới vẫn chưa kéo theo số ca tử vong tăng. Các dữ liệu về số ca tử vong vẫn duy trì đà giảm trong 3 tuần qua. Thế giới ghi nhận khoảng 6.450 ca tử vong/ngày trong 7 ngày qua, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2020. Thế giới từng ghi nhận thời gian đỉnh điểm là 14.800 ca tử vong/ngày trong giai đoạn từ 20-26/1/2021.
Hai năm kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, thế giới đã ghi nhận trên 282 triệu ca mắc, trong đó có trên 5,4 triệu ca tử vong. WHO ước tính tổng số ca tử vong trên thực tế có thể cao hơn từ 2-3 lần so với số liệu trên.