Thế giới đã ghi nhận trên 512,3 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 29/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 512.393.276 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.257.152 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 466.222.176 người, trong khi vẫn còn 39.913.948 bệnh nhân đang phải điều trị.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chuyên gia cho biết trên thực tế virus SARS-CoV-2 không chỉ đột biến tạo ra các biến thể mới, mà các biến thể mới này còn kết hợp với nhau. 

Ngày 29/4, cơ quan y tế bang New South Wales (NSW) của Australia xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể dòng phụ BA.4 của Omicron tại bang này, là một người vừa từ Nam Phi trở về. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 đang tiếp tục gia tăng tại NSW. Bang đã ghi nhận 11.903 ca mắc mới và 7 ca tử vong mới trong ngày 29/4. Trong số 1.645 ca đang phải điều trị trong bệnh viện, có 68 ca điều trị tích cực.

Theo ông James Wood, chuyên gia của Đại học Y tế cộng đồng và dược phẩm thuộc Đại học NSW, dường như hàng nghìn người Australia đã tái nhiễm sau khi các biến thể kết hợp với nhau. Ông dự báo: "Chúng ta sẽ chứng kiến những biến thể dòng phụ mới, khiến số ca nhiễm tăng tại Australia trong vài tháng tới".

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cũng thông báo vừa phát hiện một biến thể phụ mới của biến thể Omicron ở một bệnh nhân mắc COVID-19 đang sống tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc nước này. Biến thể phụ mới được phát hiện thông qua việc giải trình tự gene của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID). Biến thể này là sự kết hợp giữa các biến thể phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron, nhưng lại khác với biến thể phụ XE.

Theo chính quyền thành phố Sendai, bệnh nhân nhiễm biến thể phụ mới này đã được phát hiện mắc COVID-19 vào cuối tháng 3. Người bệnh không bị ốm nặng và đã hồi phục. Hai tuần trước khi có các triệu chứng mắc COVID-19, bệnh nhân không ra nước ngoài. Hiện các nhân viên y tế không phát hiện biến thể này ở những người mà bệnh nhân có tiếp xúc gần.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cho đến nay, giới chức Nhật Bản vẫn chưa nắm rõ các đặc tính của biến thể phụ này, bao gồm cả độc lực và khả năng lây lan. Tuy nhiên, các quan chức của NIID cho rằng sự tái tổ hợp gene có thể đã xảy ra khi một người nhiễm cả biến thể phụ BA.1 lẫn BA.2 bởi vì BA.2 đang chiếm ưu thế ở Nhật Bản. Hiện nay, NIID đang nghiên cứu sâu hơn về biến thể phụ này, đồng thời kiểm tra xem liệu có địa phương nào khác phát hiện ra biến thể tương tự hay không.

Trong bối cảnh lực lượng chức năng tăng cường truy vết để khống chế đà lây lan của dịch COVID-19, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã đóng cửa nhiều phòng tập thể dục, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và phong tỏa các khu chung cư.

Quận Triều Dương, chiếm số ca mắc COVID-19 cao nhất tại Bắc Kinh và là nơi đầu tiên tiến hành xét nghiệm hàng loạt trong tuần này, đã bắt đầu đợt xét nghiệm cuối cùng đối với 3,5 triệu cư dân. Hầu hết các quận khác cũng sẽ tiến hành xét nghiệm đợt 3 trong ngày 30/4. Bên cạnh đó, chính quyền thủ đô Bắc Kinh cũng đã thông báo về việc phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ mới được phép lui tới các địa điểm công cộng. Quy định này có hiệu lực từ ngày 30/4 và trong cả đợt nghỉ lễ Ngày Quốc tế lao động 1/5 kéo dài 5 ngày. Học sinh và người lao động cũng sẽ phải trình xét nghiệm trước khi quay trở lại trường học và nơi làm việc sau kỳ nghỉ. 

Chính quyền thành phố Quảng Châu, miền Nam nước này, cũng đang tăng tốc để khống chế ổ dịch COVID-19, theo đó, áp đặt quy định xét nghiệm đối với những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phong tỏa một số khu vực và khuyến cáo người dân không rời khỏi khu vực.

Trong khi đó, tại Thượng Hải, chính quyền địa phương cho biết khoảng 12,38 triệu cư dân thành phố, tương đương 50% dân số thành phố, ở những vùng có nguy cơ thấp hiện được phép ra khỏi nhà. Tính đến ngày 28/4, số cư dân sống trong các khu vực có nguy cơ cao bị phong tỏa còn 5,27 triệu người, giảm 6,6 triệu người kể từ lần điều chỉnh cuối cùng vào ngày 20/4. Giới chức y tế Thượng Hải cho biết số lượng người trong các khu vực bị phong tỏa và kiểm soát rõ ràng đã giảm.

Trung tâm tài chính này hiện phân loại các đơn vị dân cư thành 3 cấp bậc rủi ro. Điều này cho phép cư dân ở khu vực không có ca dương tính trong khoảng 2 tuần có thể tham gia một số hoạt động tại địa phương.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer BioNTech tại Privas, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Do quy định về Chứng chỉ số COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) sẽ hết hạn vào ngày 30/6 nên Ủy ban Tư pháp và Nội vụ của Nghị viện châu Âu, đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia hạn sử dụng chứng chỉ này thêm một năm.

Chứng chỉ số COVID-19 (có thời hạn 12 tháng) giúp khách du lịch chứng minh đã được tiêm phòng đầy đủ, hoặc mới đây đã được xét nghiệm âm tính với COVID-19 hay đã hồi phục sau khi bị mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng qua. Việc sử dụng chứng chỉ này được thông qua vào tháng 6/2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do ở EU trong thời kỳ đại dịch.

Nghị sĩ Juan Fernando López Aguilar của Ủy ban Tư pháp và Nội vụ thuộc EP, cho rằng chỉ nên chấm dứt việc sử dụng chứng chỉ này khi đại dịch kết thúc. Do đó, khi dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, chứng chỉ số này cần được gia hạn và các chuyên gia sẽ đánh giá tình hình trong thời gian 6 tháng trước khi có quyết định tiếp theo.

Ngọc Hà (TTXVN)
Ngày 29/4, cả nước ghi nhận 6.068 ca mắc mới COVID-19, 1 ca tử vong
Ngày 29/4, cả nước ghi nhận 6.068 ca mắc mới COVID-19, 1 ca tử vong

Theo Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 28/4 đến 16h ngày 29/4/2022, Việt Nam ghi nhận 6.068 ca mắc mới COVID-19 tại 59 tỉnh, thành phố; 1 ca tử vong do COVID-19; 3.225 ca được công bố khỏi bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN