Thế giới đã ghi nhận trên 508 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 22/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 508.046.917 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.237.307 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 460.429.586 người, trong khi vẫn còn 41.380.024 bệnh nhân đang phải điều trị.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rome, Italy. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu trong tuần từ ngày 11 - 17/4 vẫn duy trì đà giảm từ cuối tháng 3. Cụ thể, số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong tuần trên là gần 5,59 triệu ca, giảm 24% so với tuần trước đó. Số ca tử vong liên quan COVID-19 cũng giảm 21% còn 18.215 ca.

Trước những tín hiệu tích cực của dịch bệnh, nhiều nước đã triển khai các biện pháp nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch. 

Tại Đông Nam Á, kể từ ngày 22/4, Malaysia sẽ dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Quy định mới cũng sẽ không còn phân biệt giữa những người đã tiêm và chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia, những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 và biểu hiện triệu chứng được khuyến khích tự cách ly và xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh và xét nghiệm thêm vào ngày thứ 3 sau khi xuất hiện triệu chứng. 
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước có nhiều tín hiệu tích cực, nước này sẽ hạ mức độ cảnh báo dịch bệnh COVID-19 từ mức Da Cam (mức cảnh báo cao thứ hai, chỉ dưới mức cảnh báo cao nhất là Đỏ) xuống mức Vàng.

Giới chức Singapore cho biết từ ngày 26/4 tới, nước này sẽ nới lỏng hơn nữa một loạt biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có quy định số người được tụ tập, nới lỏng việc xuất trình chứng nhận tiêm vaccine, chấm dứt việc áp dụng gửi Cảnh báo Nguy cơ sức khỏe (HRN) đối với những người có tiếp xúc gần với ca mắc. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc ở các địa điểm “mang tính khép kín” và trên các phương tiện giao thông công cộng (xe bus, tàu điện ngầm, xe taxi…) nhưng không bắt buộc ở ngoài trời.

Song song với việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng, Singapore cũng mở cửa hơn nữa biên giới. Bắt đầu từ 26/4, những người đã tiêm vaccine COVID-19 đủ liều cơ bản và trẻ em từ 12 tuổi trở xuống (dù đã hoặc chưa tiêm vaccine) đều không phải xét nghiệm COVID-19 trước khi vào Singapore (bằng cả đường hàng không, đường biển và đường bộ). Những người từ 13 tuổi trở lên và chưa tiêm đủ liều cơ bản vaccine vẫn sẽ phải xét nghiệm COVID-19 trong vòng 48 giờ trước khi tới Singapore, cách ly tại nơi cư trú 7 ngày và phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR vào cuối thời gian cách ly.

Chú thích ảnh
 Du khách quốc tế tới sân bay quốc tế Phuket, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Một quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan cũng đã quyết định đưa ra những thay đổi lớn trong các quy định phòng chống dịch đối với người nhập cảnh, theo đó, từ ngày 1/5 tới nước này sẽ bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR khi nhập cảnh đối với du khách đã tiêm đủ liều cơ bản. Cũng từ ngày 1/5, nước này cũng  chấm dứt các vùng kiểm soát dịch (màu da cam) ở 20 tỉnh. Như vậy, số tỉnh thuộc diện giám sát chặt chẽ (màu vàng) sẽ tăng từ 47 lên 65 tỉnh, trong khi số lượng các tỉnh thuộc diện thí điểm du lịch (màu xanh) sẽ tăng từ 10 lên 12 tỉnh.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh ngành du lịch của Thái Lan đang hồi phục và việc xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn đối với du khách nước ngoài. Theo ông, rất nhiều nước đang nới lỏng đáng kể những hạn chế về đi lại và Thái Lan phụ thuộc đáng kể vào du lịch để hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, giới chức Thái Lan cũng tuyên bố Chương trình “Xét nghiệm & Lên đường” (Test & Go) dành cho du khách nước ngoài sẽ không còn tồn tại từ ngày 1/5 và Chính phủ Thái Lan sẽ áp dụng những biện pháp khác nhau đối với du khách đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng đến bằng đường hàng không. Theo đó, khách du lịch đã tiêm phòng sẽ được khuyến cáo tự xét nghiệm thường xuyên bằng các bộ xét nghiệm kháng nguyên. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính có thể tìm cách điều trị theo hợp đồng bảo hiểm hoặc phải tự chi trả chi phí y tế. Những khách du lịch chưa tiêm phòng sẽ được hoan nghênh nếu họ xuất trình chứng nhận xét nghiệm RT-PCR âm tính không quá 72 giờ trước chuyến đi. Họ sẽ phải cách ly 5 ngày và phải làm thêm một xét nghiệm RT-PCR nữa vào ngày thứ 4 hoặc thứ 5 sau khi đến, đồng thời được khuyến nghị tự làm xét nghiệm kháng nguyên trong thời gian lưu trú.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã thông báo cho phép du khách quốc tế đến hòn đảo này từ ngày 1/5.

Du khách nước ngoài cũng sẽ phải tuân thủ các quy định tương tự như người dân Hong Kong trở về thành phố. Trước khi lên máy bay, du khách phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính và giấy đặt phòng khách sạn cách ly được chỉ định trong ít nhất 7 ngày. Ngoài việc phải làm xét nghiệm axit nucleic, du khách sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên sau khi đến sân bay. Những người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính sẽ được đưa đến khách sạn cách ly để chờ kết quả xét nghiệm axit nucleic.

Chính quyền Hong Kong cũng điều chỉnh “cơ chế ngắt mạch” đối với các tuyến bay riêng lẻ. Theo đó, nếu trước đây, chuyến bay nào chở ít nhất 3 hành khách mắc COVID-19 sẽ bị kích hoạt cơ chế “ngắt mạch” và phải tạm dừng bay trong 7 ngày, thì đến ngày 1/5, cơ chế này sẽ được điều chỉnh lên thành 5 hành khách và giảm thời gian tạm dừng bay xuống còn 5 ngày.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hàn Quốc cũng dự định từ tuần tới tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, người dân sẽ được phép ăn uống trong các rạp chiếu phim, các phòng tập thể dục trong nhà, các địa điểm tôn giáo, tàu điện, tàu hỏa và xe buýt.

Chính phủ Hàn Quốc thông báo trong ngày 25/4 sẽ hạ cấp độ cảnh báo dịch bệnh xuống mức nghiêm trọng thứ 2 trong thang cảnh báo gồm 4 cấp độ, qua đó cho phép các bệnh nhân COVID-19 không phải thực hiện tự cách ly và có thể được điều trị tại các phòng khám địa phương, sớm nhất là từ cuối tháng 5 tới.

Tại châu Âu, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đã ban bố sắc lệnh của chính phủ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết mọi nơi.

Theo giới chức Bồ Đào Nha, Hội đồng Bộ trưởng nước này nhất trí rằng tình hình hiện nay đã đáp ứng các điều kiện để dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang sẽ vẫn bị bắt buộc tại những nơi thường có người dễ tổn thương lai vãng đến như trung tâm dưỡng lão, các cơ sở y tế và trên các phương tiện vận tải công cộng. Nhà chức trách Bồ Đào Nha nêu rõ đại dịch COVID-19 hiện chưa chấm dứt, do vậy, các biện pháp hạn chế có thể sẽ lại thay đổi tùy theo nhu cầu trong tương lai.

Trong khi đó, tổ chức y tế độc lập GIMBE của Italy đã kêu gọi chính phủ nước này duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng khép kín, với lý do mức độ lây nhiễm dịch COVID-19 vẫn còn quá cao nên không thể dỡ bỏ quy định này. Chủ tịch GIMBE Nino Cartabellotta nêu rõ: “Sự lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất cao. Hiện có ít nhất hơn 1,2 triệu người mắc COVID-19 tại Italy. Có hơn 50.000 ca mắc mới/ngày và tỷ lệ dương tính là hơn 15%. Do đó, việc bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín là một quyết định rất liều lĩnh".

Cùng chung quan điểm trên, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza kêu gọi người dân nước này không được mất cảnh giác với dịch COVID-19. Ông Speranza nói: “Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Chúng ta đã thoát khỏi tình trạng khẩn cấp (ngày 1/4) và đang ở trong một giai đoạn khác so với trước đây, nhưng virus vẫn chưa biến mất. Chúng ta không được hạ thấp cảnh giác. Cần thận trọng và tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm chủng”.

Ngọc Hà (TTXVN)
Cảnh báo nguy cơ mắc COVID-19 trong thời gian dài ở người có hệ miễn dịch suy yếu
Cảnh báo nguy cơ mắc COVID-19 trong thời gian dài ở người có hệ miễn dịch suy yếu

Nghiên cứu gần đây cho thấy một bệnh nhân Anh có hệ miễn dịch suy yếu từng mắc COVID-19 trong 505 ngày liên tiếp, đây là trường hợp mắc bệnh lâu nhất từng được ghi nhận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN