Thế giới đã ghi nhận 409,54 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 12/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 409,54 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 5.823.255 ca tử vong. Số bệnh nhân hồi phục là trên 329,89 triệu người. Hiện còn 88.309 trường hợp bệnh nặng và đang phải điều trị tích cực.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở bang Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 79,228 triệu ca mắc, trong đó 942.006 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 42,586 triệu ca mắc, trong đó 508.012 ca tử vong, Brazil ghi nhận trên 27,291 triệu ca mắc, trong đó 637.232 ca tử vong.

Tại khu vực châu Á, Hàn Quốc thông báo ghi nhận 54.941 ca nhiễm mới và 33 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 1.294.205 ca và 7.045 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc vượt quá 50.000 ca. Nguyên nhân được cho là do sự lây lan mạnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày 12/2, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 1.514 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong vì COVID-19. Giới chuyên gia thuộc Đại học Hong Kong dự báo số ca nhiễm mới có thể lên đến hàng chục nghìn người mỗi ngày trong vài tuần tới, gây rủi ro lớn cho những người cao tuổi mà nhiều người trong số đó chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trước sự lây lan mạnh của dịch bệnh, giới chức Hong Kong ngày 12/2 đã đến thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) để thảo luận các biện pháp hỗ trợ với các quan chức Trung Quốc đại lục. Đến nay, Hong Kong ghi nhận tổng cộng trên 20.000 ca bệnh, trong đó trên 200 người tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 10/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc theo hướng nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài đến Nhật Bản học tập và làm việc, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 2. Từ đầu tháng 3, về cơ bản chính phủ sẽ nới lỏng cho toàn bộ đối tượng người nước ngoài xin thị thực mới nhập cảnh vào Nhật Bản.

Bên cạnh đó, một loạt các giải pháp hỗ trợ đi kèm gồm có đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép của nhà trường hoặc doanh nghiệp ở Nhật Bản, giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 từ 7 ngày xuống còn 3 ngày và số lượng nhập cảnh sẽ được điều chỉnh tăng dần, có thể lên mức 5.000 người/ngày, tương tương thời điểm trước tháng 11/2021 tùy vào tình hình thực tế.

Trước đó, từ cuối tháng 11/2021, trong nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã áp dụng biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài. Đến tháng 1, biện pháp này được tiếp tục gia hạn đến cuối tháng 2/2022.

Tại Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này thông báo ghi nhận thêm 16.330 ca mắc mới cùng 25 trường hợp tử vong , nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.577.445 ca, trong đó có 22.412 người không qua khỏi.

Bất chấp tình hình các ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) hôm 11/2 đã không thay đổi việc phân loại các tỉnh dựa trên mức độ nghiêm trọng của dịch và giữ nguyên các biện pháp phòng chống dịch hiện nay.

Ở châu Âu, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere ngày 12/2 thông báo nước này hủy bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế vì đại dịch COVID-19 còn lại sau khi đã dỡ bỏ một số biện pháp kiềm chế dịch bệnh kể từ ngày 1/2 vừa qua. Theo đó, người dân Na Uy không còn phải giữ khoảng cách ít nhất 1m nữa và cũng không cần đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người.

Các câu lạc bộ ban đêm và cơ sở giải trí khác có thể nối lại hoạt động hết công suất. Hơn nữa, những người nhiễm virus cũng không phải thực hiện tự cách ly, thay vào đó họ được khuyến nghị ở nhà 4 ngày. Hành khách đến Na Uy không cần phải đăng ký trước và chính phủ nước này cũng loại bỏ quy định trước đó về việc phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành đối với một số nhóm hành khách như những người chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, Na Uy vẫn duy trì một số biện pháp hạn chế đối với quần đảo Svalbard ở Bắc cực.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Dublin, Iceland. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir, 46 tuổi, đã dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi một thành viên trong gia đình bà mắc COVID-19. Bà Jakobsdottir sẽ tự cách ly tại nhà ít nhất 5 ngày theo quy định của Iceland. Về tình hình dịch bệnh tại nước này, Iceland đã ghi nhận số ca nhiễm mới trung bình trong 4 ngày qua ở mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 2.000 ca/ngày. Đến nay, tổng số ca COVID-19 tại Iceland đã tăng lên 85.980 ca, trong đó 54 ca tử vong. Ngày 12/2, Iceland đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế vì dịch bệnh, trong đó có quy định hạn chế tụ tập đông người và giờ mở cửa của các nhà hàng. Dự kiến, đến cuối tháng này, Iceland sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế. 

Về các liệu pháp điều trị COVID-19, Trung Quốc đã phê duyệt có điều kiện đối với thuốc điều trị COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất dưới tên gọi Paxlovid để điều trị cho các bệnh nhân là người trưởng thành mắc COVID-19 ở thể nhẹ và trung bình, nhưng có nguy cơ trở nặng. Trong khi đó, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp một liệu pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể do công ty dược Eli Lilly phát triển có tên gọi là bebtelovimab.

Trần Quyên (TTXVN)
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng thấy
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng thấy

Ngày 12/2, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 54.941 ca, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.294.205 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN