Bác sĩ về hưu Chen Ju, người có đủ điều kiện để ở nhà dưỡng lão ngay thủ đô Bắc Kinh, đã chọn sống cùng cô con gái làm nghề kế toán.
Bà cụ 79 tuổi này dành cả ngày để làm vườn, đi dạo và trò chuyện với hàng xóm. Bà cho biết mình bị lãng tai và yếu cơ, nhưng nhìn chung vẫn khỏe mạnh. Bà chia sẻ rằng các đồng nghiệp cũ vẫn khuyên bà nên sống trong viện dưỡng lão vì có dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Nhưng bà lại thích ở bên con gái và con rể hơn.
Bà Chen là một trong gần 210 triệu người trên 65 tuổi ở Trung Quốc. Đến năm 2050, ước tính quốc gia này có khoảng 400 triệu dân ở độ tuổi từ 65 trở lên, tức gần một phần ba dân số.
Dự báo số lượng người cao tuổi sẽ tăng vọt khoảng 100 triệu người trong thập kỷ tới, làm gia tăng gánh nặng kinh tế và xã hội đối với lực lượng lao động.
Dân số già nhanh, tỷ lệ sinh giảm
Với việc tuổi thọ ngày càng tăng (trung bình là 78,2 tuổi vào năm 2021) nhờ sức khỏe nói chung của người dân được cải thiện cùng với yếu tố tỷ lệ sinh thấp (1,09 vào năm 2022), dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Để so sánh, Mỹ có tuổi thọ trung bình là 76,4 tuổi (2021) và tỷ lệ sinh là 1,66 (2021).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, đặc biệt là trong những tháng gần đây do nước này phải vật lộn để lấy lại vị thế sau nhiều năm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Có những mối lo ngại rằng người dân nước này đang già trước khi giàu.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc là quốc gia có thu nhập trung bình cao, nơi có số lượng đáng kể dân số dễ bị nghèo đói. Với dân số già đi nhanh chóng, chính phủ Trung Quốc nhận thấy quỹ lương hưu không đủ chi trả, còn hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho số lượng người cao tuổi ngày càng tăng.
Để kiểm soát dân số đang bùng nổ vào cuối những năm 1970, chính sách một con đã được đưa ra, nhằm ngăn cản các cặp vợ chồng sinh nhiều con. Chính sách này đã bị dỡ bỏ vào năm 2016 nhằm vực dậy tỷ lệ sinh ở Trung Quốc, song có vẻ như đã quá muộn màng. Hầu hết thanh niên Trung Quốc có trình độ học vấn cao không còn muốn sinh con như các thế hệ trước.
Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển và phụ nữ Trung Quốc được giáo dục nhiều hơn và có nhiều cơ hội việc làm hơn, họ quyết định sinh ít con hơn. Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng có thu nhập cao nhưng không có con.
Giám đốc dịch vụ khách hàng Michelle Zhuo, 48 tuổi, cho biết cô và chồng đã sớm quyết định không sinh con vì cảm thấy việc làm cha mẹ sẽ cản trở sự nghiệp, đặc biệt là sau khi chứng kiến nhiều đồng nghiệp bị dằn vặt vì phải làm việc muộn và không thể về với con.
“Ban đầu là vậy, sau đó thời gian trôi qua, chúng tôi nhận ra mình thoải mái hơn, ngày nghỉ không bị bó buộc theo lịch học, nên có thể đi du lịch vào mùa thấp điểm, tự do làm bất cứ điều gì mình muốn”, cô Zhou nói.
Cặp đôi này có một nhóm bạn trạc tuổi họ, và giống như họ, đều không có con. Và xu hướng này đang gia tăng, với việc những người trẻ mệt mỏi vì phải đua tranh trong cuộc sống. Nhiều người chọn lối sống “nằm phẳng”, vỡ mộng về tương lai, tự coi mình là “thế hệ cuối cùng”.
Năm 1980, năm đầu tiên sau khi chính sách một con có hiệu lực, đã có 17,76 triệu trẻ sơ sinh chào đời. Con số này đạt đỉnh điểm là 25 triệu vào năm 1987 rồi bắt đầu giảm xuống. Vào thời điểm Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa hè năm 2008, khoảng 16 triệu trẻ sơ sinh đã được sinh ra.
Năm 2022, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống sau nhiều thập kỷ - chỉ có 9,56 triệu trẻ sơ sinh. Các nhà quan sát chính sách phải gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng đất nước này đang già đi nhanh hơn so với dự báo gần một thập kỷ. Trong khi đó, các nhà nhân khẩu học dự đoán Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ già hóa “tăng trưởng cao” vào năm 2030.
Vấn đề tuổi hưu
Giám đốc Viện Lão khoa thuộc Đại học Nhân dân Du Peng tin rằng thập kỷ tiếp theo sẽ rất quan trọng để thiết lập chính sách cho những năm tới khi dân số già đi nhanh chưa từng thấy.
Ông Du Peng nói với hãng truyền thông trực tuyến Tencent Finance rằng vào năm 2020, lương hưu đã vượt qua nguồn hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình để trở thành nguồn thu nhập chính của người cao tuổi. Và theo ông, đó là dấu hiệu tốt.
Ông nói: “Việc người già sống bằng lương hưu của chính họ có ý nghĩa rất lớn. Có nghĩa là người cao tuổi có khả năng chi trả tốt hơn, chất lượng cuộc sống ổn định hơn. Người cao tuổi có thể tự quyết định những gì mình cần một cách độc lập hơn, thay vì trông cậy vào con cái đóng góp tiền bạc như trước đây”.
Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2019 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, quỹ hưu trí chính của nước này có thể cạn kiệt vào năm 2035 do lực lượng lao động giảm.
Để giải quyết vấn đề này và những thách thức kinh tế khác của dân số già như tăng trưởng năng suất thấp hơn, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần tăng tuổi nghỉ hưu.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng tăng tuổi nghỉ hưu nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt.
Tiến sĩ Zhao Litao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia về chính sách xã hội và dân số, cho biết sự phản kháng đến từ những người lao động thu nhập thấp vì họ không muốn trì hoãn thời hạn nhận lương hưu.
Tiến sĩ Zhao cũng lưu ý rằng các chính sách phát triển xã hội của Trung Quốc luôn tụt hậu so với các chính sách điều hành phát triển kinh tế. Ông nói: “Để có thể đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng, trước tiên cần đảm bảo rằng nền kinh tế đang hoạt động tốt để có vốn cho các chính sách xã hội nhắm vào mục tiêu già hóa dân số”.
Chất lượng cuộc sống
Tuy nhiên, xã hội Trung Quốc đang thay đổi cách nhìn về vấn đề lão hóa và chăm sóc người cao tuổi. Ngày càng nhiều người cao tuổi lựa chọn sống độc lập những năm tháng cuối đời.
Những người về hưu giờ đây được khuyến khích theo đuổi cuộc sống đầy đủ hơn là chỉ ở nhà trông cháu. Trên khắp các mạng xã hội, ngày càng có nhiều trang web và tài khoản về những hoạt động tích cực cho người cao tuổi, thúc đẩy các sự kiện cộng dồng, ngày lễ và thậm chí cả những bữa ăn ngon nhắm đến những người trên 60 tuổi.
Trong báo cáo về ngành dịch vụ cho người già cuối tháng 8, Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Trung Quốc (CRCA) lưu ý rằng tiềm năng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn rất lớn. Người ta dự đoán rằng từ năm 2036, khi những người ở độ tuổi 40 và 50 bắt đầu già đi, sẽ có một nhóm người cao tuổi am hiểu công nghệ hơn, sẵn sàng đón nhận tích cực quá trình lão hóa và học tập suốt đời.
Người đứng đầu CRCA Wang Lili cho biết, có khả năng sẽ có hai giai đoạn trong quá trình già hóa dân số ở Trung Quốc, khi người cao tuổi chuyển từ trạng thái “sinh tồn” đơn thuần sang “cải thiện” lối sống.
Nhu cầu của họ hiện nay bao gồm các dịch vụ điều dưỡng cơ bản và chăm sóc ngắn hạn, hạn cũng như điều dưỡng phục hồi chức năng. Thế nhưng, điều này có thể thay đổi trong thập kỷ tới khi “dân số tóc bạc” trở nên có trình độ học vấn và thông tin tốt hơn. Bà Wang cho biết, một số người thậm chí có thể muốn tiếp tục làm việc, miễn là họ cảm thấy tinh thần minh mẫn.