Bà Retno nhấn mạnh “thanh niên và nền kinh tế kỹ thuật số là những động lực quan trọng để đảm bảo khu vực của chúng ta trở thành tâm điểm tăng trưởng”, đồng thời nhận định tiềm năng kinh tế số của ASEAN là rất lớn. Theo bà Retno, đến năm 2030, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN được dự báo đạt 2.000 tỷ USD và đóng góp khoảng 28% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực. Tiềm năng này thậm chí còn hứa hẹn hơn nhờ lợi thế nhân khẩu học với việc 1/3 dân số ASEAN là thanh niên.
Để tối ưu hóa tiềm năng kinh tế kỹ thuật số, bà Retno cho rằng cần khuyến khích đổi mới sáng tạo. Trong thời kỳ khủng hoảng, sự đổi mới sáng tạo của giới trẻ đã đóng vai trò quan trọng giúp vượt qua các thách thức. Đông Nam Á hiện có 52 công ty "kỳ lân" (công ty khởi nghiệp trị giá từ 1 tỷ USD trở lên), trong đó có 9 công ty ở Indonesia. Indonesia còn sở hữu tới 2 "siêu kỳ lân" (công ty khởi nghiệp trị giá từ 10 tỷ USD trở lên).
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cũng nêu bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh, cho rằng điều này sẽ mở ra cơ hội tốt cho giới trẻ nhằm tạo ra những tác động có lợi cho người dân trong khu vực. Bà Retno đồng thời khuyến khích thanh niên, với tư cách là tác nhân của sự thay đổi, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội.
Với chủ đề “Phát triển kỹ thuật số vì mục tiêu phát triển bền vững”, AYD 2023 diễn ra từ ngày 11-13/4 tại thủ đô Jakarta của Indonesia với sự tham dự của 60 đại biểu thanh niên đến từ 10 nước thành viên ASEAN và Timor Leste. Đây là diễn đàn nhằm trao đổi ý kiến và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến phát triển kỹ thuật số ở Đông Nam Á. Những khuyến nghị này sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra tại Labuan Bajo (Indonesia) vào tháng 5 tới.
Trong khuôn khổ AYD 2023, các đại biểu thanh niên ASEAN sẽ đến thăm trụ sở công ty khởi nghiệp Traveloka và công ty Schneider Electric Indonesia, cũng như tham dự Fesstival ẩm thực Halal ASEAN và Trình diễn văn hóa thanh niên ASEAN.