Ngày nay, lực lượng “mũ nồi xanh” phải đối mặt với những thách thức mới tại hàng chục điểm nóng, với môi trường bạo lực hơn, tin giả tràn ngập và một thế giới bị chia rẽ.
Ngày 25/5 năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày gìn giữ hòa bình của LHQ. Vào ngày này, một buổi lễ vinh danh hơn 4.200 binh sĩ gìn giữ hòa bình đã hy sinh kể từ năm 1948 - thời điểm Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra quyết định lịch sử gửi các quan sát viên quân sự đến Trung Đông để giám sát việc thực hiện các thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Arab - sẽ được tổ chức.
Trong một thông điệp gửi tới những người tham gia sứ mệnh cao cả này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã gọi lực lượng gìn giữ hòa bình là “trái tim đang đập trong cam kết vì một thế giới hòa bình hơn”, nhấn mạnh đến những trợ giúp của lực lượng đối với các cộng đồng bị rung chuyển bởi xung đột và biến động trên toàn cầu.
Trong 75 năm qua, các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ đã tăng lên đáng kể. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào đầu những năm 1990, LHQ có 11.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình. Đến năm 2014, quân số đã tăng lên 130.000 người tham gia 16 chiến dịch. Ngày nay, quân số đang ở mức 87.000 binh sĩ hoạt động trong 12 khu vực xung đột ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 24/5 với hãng tin AP, người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ Jean-Pierre Lacroix cho biết lực lượng này đã đóng góp bình ổn trật tự tại các quốc gia bao gồm Liberia, Sierra Leone, Bờ Biển Ngà, Mozambique, Angola và Campuchia. Không chỉ vậy, các binh sĩ còn phụ trách giám sát và duy trì một lệnh ngừng bắn ở miền nam Liban và đảo Síp. Trong quá trình hoạt động, lực lượng gìn giữ hòa bình cũng gặp một số thất bại như không thể ngăn chặn nạn diệt chủng Rwanda năm 1994 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 800.000 người Tutsis và Hutus hay như vụ thảm sát năm 1995 đối với ít nhất 8.000 đàn ông và trẻ em phần lớn là người Hồi giáo tại Srebrenica trong cuộc chiến ở Bosnia.
Nói về tương lai, ông Lacroix chỉ ra thách thức lớn mà lực lượng gìn giữ hòa bình đang và sẽ phải đối mặt là một cộng đồng quốc tế bị chia rẽ và đặc biệt là sự chia rẽ trong Hội đồng Bảo an LHQ.
“Kết quả từ việc chia rẽ là chúng tôi không thể đạt được cái gọi là mục tiêu cuối cùng của công việc giữ hòa bình - được triển khai, hỗ trợ một tiến trình chính trị đi lên, và sau đó dần dần giảm sự liên quan khi quá trình chính trị đó hoàn tất. Chúng tôi không thể làm điều đó bởi vì diễn biến hòa bình không tiến triển hoặc diễn ra không đủ nhanh”, nhà chức trách nhấn mạnh.
Theo ông Lacroix, về cơ bản, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ hài lòng với những mục tiêu trung gian mà lực lượng đã đạt được, bao gồm duy trì liên tục lệnh ngừng bắn, bảo vệ dân thường và cố gắng hết sức để hỗ trợ các nỗ lực chính trị ở bất cứ đâu.
Bên cạnh một thế giới chia rẽ, lực lượng gìn giữ hòa bình còn phải đối mặt với các thách thức khác như môi trường họ hoạt động đang ngày càng bạo lực, nguy hiểm và phức tạp hơn. Tin giả và thông tin sai lệch “là mối đe dọa lớn đối với người dân và lực lượng gìn giữ hòa bình”. Các mối đe dọa cũ bao gồm hoạt động tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy, vũ khí, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và tác động của biến đổi khí hậu cũng góp phần cản trở quá trình thực hiện sứ mệnh của lực lượng “mũ nồi xanh”.
Về trách nhiệm, LHQ cần tiếp tục cải thiện hiệu suất của việc gìn giữ hòa bình và thực hiện các sáng kiến trong công tác chống tin giả, cải thiện an ninh, đồng thời tuyển dụng nhiều nữ giới hơn cho lực lượng.
Gowan làm việc trong Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế nói với AP rằng rõ ràng LHQ đang “bị mắc kẹt” ở một số quốc gia như Mali và Congo - nơi không có đủ lực lượng gìn giữ hòa bình để ngăn chặn các chu kỳ bạo lực tái diễn.
Tuy nhiên, ông Gowan nhấn mạnh đối với ý kiến hủy bỏ hoàn toàn các hoạt động của LHQ là không nên. “Chúng ta đã học được một bài học từ Afghanistan, rằng ngay cả các lực lượng phương Tây được vũ trang mạnh mẽ thế nào cũng không thể áp đặt hòa bình. Thành tích của LHQ có thể không hoàn hảo, nhưng không ai khác giỏi hơn tổ chức này trong việc xây dựng sự ổn định ở các quốc gia đang hỗn loạn”, chuyên gia Gowan kết luận.