Những kháng thể này được phân lập và tinh lọc từ huyết tương của các bệnh nhân COVID-19 đã bình phục và phát triển nhiều kháng thể chống virus gây bệnh này.
Theo kết quả công bố, 11 trong số 12 bệnh nhân COVID-19 tham gia cuộc thử nghiệm này đã có dấu hiệu cải thiện trong vòng từ 24 đến 48 giờ đồng hồ sau khi tiếp nhận kháng thể huyết tương. Những người này đều có bệnh nền viêm phổi. Ngoài ra, 11 bệnh nhân nói trên được xuất viện trong vòng 4 - 5 ngày điều trị. Tuy nhiên, một người trong số 12 bệnh nhân tham gia thử nghiệm bệnh tình diễn biến xấu đi.
Những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm này ở độ tuổi từ 34 - 69 tuổi, được nhận 1 liều 4 gram kháng thể huyết tương trong khoảng thời gian từ 5 - 10 ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng ban đầu. Những người này được theo dõi sức khỏe trong 84 ngày sau đó. Dự kiến, Kamada sẽ công bố kết quả cuối cùng của cuộc thử nghiệm vào tháng 1/2021.
* Liên quan vaccine ngừa COVID-19, giới chức y tế Australia khẳng định nước này không lo ngại về việc thử nghiệm lâm sàng vaccine AZD1222 của hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca phải tạm dừng do có tình nguyện viên tham gia thử nghiệm mắc một chứng bệnh chưa xác định.
Theo một quan chức Australia, xét một số khía cạnh, đây là một diễn biến tích cực vì cho thấy dù hoạt động phát triển vaccine đang được đẩy mạnh, song vấn đề an toàn của các tình nguyện viên và các nhà nghiên cứu vẫn được đặt lên hàng đầu. Quan chức này nhấn mạnh việc tạm dừng các thử nghiệm lâm sàng không có nghĩa vaccine AZD1222 bị loại.
Vaccine AZD1222 do Đại học Oxford của Anh và hãng AstraZeneca phát triển - một trong những loại vaccine được đánh giá có tiềm năng nhất ngừa COVID-19 hiện nay - đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 30.000 người. Cho đến nay, loại vaccine này đã tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh và không gây các lo ngại đáng kể về mức độ an toàn. Theo kế hoạch trước đó, các thử nghiệm dự kiến sẽ tiếp tục trong năm sau và đơn xin phê duyệt vaccine có thể sẽ được nộp vào quý III năm nay.
Tuy nhiên, ngày 8/9, người phát ngôn của AstraZeneca thông báo hãng quyết định ngừng thử nghiệm lâm sàng theo cách thức ngẫu nghiên đối với vaccine AZD1222 do một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đã mắc một chứng bệnh chưa xác định.
Người phát ngôn nêu rõ quyết định ngừng thử nghiệm trên là để một ủy ban độc lập tiến hành đánh giá về dữ liệu an toàn của vaccine AZD1222, và điều này phù hợp với nguyên tắc chung cho mọi cuộc thử nghiệm. AstraZeneca bảo lưu các kết quả thử nghiệm vaccine từ trước cho đến nay.
Trước đó, Australia cho biết nước này sẽ nhận được những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca vào tháng 1/2021 nếu các cuộc thử nghiệm thành công.
Trong khi đó, giới chức Brazil cho hay nước này có thể sẽ khởi động chiến dịch tiêm vaccine đại trà cho người dân kể từ tháng 1/2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu trong một cuộc họp cấp bộ, Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello nêu rõ Brazil đang tiến hành ký kết hợp đồng với các nhà sản xuất vaccine và dự kiến sau khi sở hữu vaccine ngừa COVID-19 sẽ tiến hành tiêm chủng cho toàn dân vào tháng 1 tới.
Bộ Y tế Brazil cũng dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 100,4 triệu liều vaccine do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca phát triển và phối hợp sản xuất cùng với Quỹ Oswaldo Cruz của bang Rio de Janeiro của nước này.
Hiện tại vaccine do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển là loại duy nhất mà Chính phủ trung ương Brazil khẳng định sẽ sử dụng theo thỏa thuận chính thức. Tuy nhiên, chính quyền một số bang của Brazil như Sao Paulo và Parana thông báo đã đàm phán mua các loại vaccine do Trung Quốc và Nga sản xuất.