Thái tử Mohammed bin Salman đến Pakistan trong bối cảnh tình hình khu vực trở nên căng thẳng khi Ấn Độ và Iran cáo buộc Islamabad ủng hộ các nhóm vũ trang tiến hành các vụ tấn công liều chết đẫm máu trên lãnh thổ nước mình trong những ngày gần đây.
Theo kế hoạch, Thái tử Saudi Arabia sẽ ở lại Pakistan hai ngày, trước khi tới Ấn Độ, nơi ông sẽ gặp Thủ tướng Narendra Modi và Bộ trưởng Dầu mỏ Dharmendra Pradhan. Ông dự kiến kết thúc chuyến công du này với chặng dừng chân tại Trung Quốc trong hai ngày 21 - 22/2.
Hai chặng dừng chân ngắn ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 17 - 18/2 tại Indonesia và Malaysia đã bị hủy không nêu rõ lý do.
Chuyến công tới Nam Á và Trung Quốc của Thái tử Bin Salman diễn ra 5 tháng sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul kéo theo một cuộc khủng hoảng ngoại giao, đặc biệt giữa Saudi Arabia với các đối tác phương Tây.
Theo các chuyên gia, chuyến công du châu Á lần này - hoạt động đối ngoại lớn nhất của Thái tử Bin Salman kể từ khi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina hồi tháng 12 năm ngoái - là cơ hội để ông chứng tỏ với phương Tây rằng ông vẫn có nhiều người bạn tại khu vực châu Á đang nổi lên.
Chuyên gia James M. Dorsey, tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định: "Ông ấy muốn chứng tỏ rằng mình không bị cô lập trên trường quốc tế, và là đại diện cấp cao nhất của Saudi Arabia sau Quốc vương Salman".
Trong khi đó, các chuyên gia nghiên cứu Trung Đông tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc nhấn mạnh tới đặc tính quan trọng của các nước châu Á - đó là không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia khác. Saudi Arabia đang áp dụng các thay đổi về chiến lược, và châu Á là một hướng mới trong ngoại giao của Saudi Arabia.
Bên cạnh nỗ lực khẳng định mình trên phương diện ngoại giao, một mục đích khác mà Thái tử Mohammed bin Salman muốn hướng đến trong chuyến công du này là thúc đẩy kinh tế. Trung Quốc hiện là nước mua nhiều dầu nhất của Saudi Arabia, và các khách hàng lớn khác cũng đều ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bà Karen Yong, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ, cho biết: "Châu Á là nguồn đầu tư vào năng lượng và hạ tầng cơ sở của vùng Vịnh, và tăng trưởng tương lai của nền kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra tại châu Á". Vì vậy, Saudi Arabia không phải là quốc gia vùng Vịnh duy nhất "xoay trục" về phía Đông, và đây là một "sự thay đổi logic".
Trong khi đó, Pakistan cũng hy vọng đồng minh cũ sẽ đem đến xung lực mới cho nền kinh tế đang chật vật đối mặt với khó khăn của mình, đặc biệt dưới dạng một khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD vào tổ hợp khai thác và lọc dầu ở Tây Nam nước này. Thủ tướng Imran Khan cũng đã thăm Saudi Arabia hai lần kể từ khi lên cầm quyền mùa Hè năm 2018.