Giới chức cảnh sát Thái Lan ngày 12/6 cho biết ông Sombat Boonngamanong, một thủ lĩnh chống đối cuộc đảo chính của quân đội, đã chính thức bị buộc tội kích động bạo lực, vi phạm Luật Tội phạm máy tính và coi thường mệnh lệnh của chính quyền quân sự.Binh sĩ Thái Lan đi tuần tại Bangkok. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo Phó chỉ huy Đơn vị trấn áp tội phạm (CSD) thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Prasopchoke Prommun cho biết ông Sombat sẽ bị đưa ra tòa án binh và nếu bị kết tội, ông có thể phải đối mặt với án phạt 14 năm tù giam. Ông Sombat đã bác bỏ mọi cáo buộc trên.
Ông Sombat bị Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) bắt giữ ngày 5/6 tại tỉnh Chonburi (miền đông) vì không ra trình diện theo lệnh triệu tập của chính quyền quân sự, đồng thời sử dụng mạng xã hội để khởi xướng một chiến dịch tụ tập phản đối cuộc đảo chính. Ông đã được giao cho CSD sáng 12/6 và bị áp tải đến Tòa án binh Bangkok. Luật sư của ông cho biết tòa không chấp nhận cho ông nộp bảo lãnh tại ngoại với lý do "các cáo buộc chống lại ông có thể dẫn đến những hình phạt nặng". Hiện tòa chưa ấn định ngày xét xử ông.
Trong khi đó, Phó Cảnh sát trưởng Bangkok, Thiếu Tướng Amnuay Nimmano ngày 13/6 cảnh báo sẽ bắt giữ tất cả những ai đăng tải các thông điệp chống đảo chính trên các mạng xã hội. Theo Thiếu Tướng Amnuay, Văn phòng Cảnh sát thủ đô Bangkok hiện đang phối hợp với Đơn vị Trấn áp tội phạm công nghệ nhằm theo dõi và bắt giữ các đối tượng đăng tải những thông điệp xúi giục biểu tình chống đảo chính hoặc chống chính quyền quân sự.
Cùng ngày 13/6, người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập trước tháng 8 hoặc chậm nhất vào tháng 9 tới. Tướng Prayut cũng nhắc lại rằng ít nhất phải một năm nữa mới có thể tổ chức được cuộc tổng tuyển cử mới.
Tướng Prayuth đưa ra thông báo trên tại một cuộc họp với các quan chức quân sự cấp cao thảo luận về ngân sách quốc gia năm 2015. Cũng tại cuộc họp này, ông Prayuth cho biết trước mắt hội đồng quân sự cầm quyền không có kế hoạch duy trì hệ thống trợ giá gạo tốn kém do chính phủ cũ khởi xướng. Tuy nhiên, ông Prayuth nói "trong tương lai có áp dụng một hệ thống như vậy hay không là vấn đề khác".
Chương trình trợ giá gạo nói trên là một trong các chính sách chủ chốt của Thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra , theo đó, chính phủ mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Chương trình này đã bị chỉ trích là tốn kém và là một nguyên nhân quan trọng khiến tòa án ra phán quyết phế truất bà Yingluck hồi tháng trước vì tội "lạm dụng quyền lực".
TTXVN/Tin tức