Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tại cuộc họp báo ngày 12/10, Cảnh sát trưởng quốc gia Torsak Sukvimol cho biết các đội cảnh sát đã đột kích 3.224 địa điểm trên khắp đất nước từ ngày 9-11/10.
Tổng cộng có 1.593 nghi phạm đã bị bắt trong chiến dịch này. Cảnh sát đã thu giữ 1.789 khẩu súng bất hợp pháp, bao gồm súng blank, súng BB, cùng với 219 khẩu súng đã đăng ký đang được đổi chủ và 75.973 viên đạn.
Tướng Torsak cho biết chiến dịch trấn áp là phản ứng sau vụ xả súng ngày 3/10 tại Trung tâm mua sắm Siam Paragon, nơi một tay súng tuổi vị thành niên đã nổ súng làm 2 người thiệt mạng 5 người bị thương.
Vụ xả súng chết người đã khiến Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ra lệnh trấn áp tất cả các loại súng bất hợp pháp. Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul sau đó đã thông báo đình chỉ việc cấp giấy phép nhập khẩu và kinh doanh súng, như một trong 7 biện pháp ngắn hạn nhằm thắt chặt kiểm soát súng. Về lâu dài, nhà chức trách Thái Lan đang xem xét sửa đổi luật sử dụng súng đã để khắc phục những lỗ hổng của văn bản đã có tuổi đời 76 năm này.
Ngoài ra, Cục Điều tra Tội phạm Mạng (CCIB) thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đang hợp tác với các cơ quan khác để xử lý nghiêm các trang mạng xã hội bán súng trái phép trên mạng. Theo Tướng Torsak, tổng cộng 79 trang Facebook, 14 tài khoản TikTok, 148 tài khoản X (Twitter), 26 kênh YouTube và 14 tài khoản Instagram đã bị đóng cửa cho đến nay.
Tại Thái Lan, việc tàng trữ súng trái phép có thể bị phạt tù lên tới 10 năm và phạt tiền lên tới 20.000 baht, nhưng tỷ lệ sở hữu súng ở nước này cao hơn so với các nước khác ở Đông Nam Á. Theo Cơ quan Khảo sát vũ khí nhỏ có trụ sở tại Thụy Sĩ năm 2017, khoảng 10,3 triệu khẩu súng - chỉ 6,2 triệu khẩu được đăng ký - thuộc sở hữu của người Thái, đưa quốc gia này đứng thứ 13 trên toàn cầu về sở hữu súng cỡ nhỏ. Trong khi đó, dữ liệu từ Điểm báo Dân số Thế giới năm 2022 cho thấy Thái Lan đứng thứ 15 trên toàn cầu về số ca tử vong do súng với 2.804 người thiệt mạng, tỷ lệ 3,91 người trên 100.000 dân.