Thông cáo của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 6, ngày 8/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai đã kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn về tiếp cận và sản xuất vaccine, phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 thông qua mô hình tăng trưởng kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG), kinh tế số và quản lý tài nguyên nước để tiểu vùng này lại nổi lên một cách an toàn hơn, xanh hơn và thông minh hơn.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai đã bày tỏ coi trọng việc tăng cường hợp tác Mekong-Lan Thương, đồng thời đề xuất 4 cách tiếp cận tại hội nghị.
Về sức khỏe cộng đồng, ông Don Pramudwinai nhấn mạnh đặc biệt đến khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 một cách công bằng đối với tất cả mọi người.
Về phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, ông Don đề nghị tăng cường hợp tác về BCG - một mô hình kinh tế định hướng đổi mới, tạo ra giá trị và thân thiện với môi trường. Là chương trình nghị sự quốc gia của Thái Lan, BCG tập trung vào 4 ngành công nghiệp chính, bao gồm thực phẩm và nông nghiệp, năng lượng và vật liệu, y tế và dược phẩm, du lịch và dịch vụ. Đây cũng là những ngành mà các nước thành viên Mekong-Lan Thương có lợi thế so sánh.
Về thúc đẩy liên kết giữa các đặc khu kinh tế ở những khu vực biên giới và phát triển các hành lang đổi mới để hỗ trợ các khu kinh tế đặc biệt (SEZ) và các ngành BCG, Thái Lan cho rằng điều này bao gồm việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số để giúp xây dựng năng lực và khả năng phục hồi cho các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mekong-Lan Thương để đối phó với môi trường bình thường mới một cách bền vững.
Về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sinh kế của người dân sống dọc sông Mekong, ông Don Pramudwinai kêu gọi tất cả các nước thành viên Mekong-Lan Thương tăng gấp đôi những nỗ lực thúc đẩy hợp tác thiết thực và quản lý bền vững các vùng nước xuyên biên giới. Ông nhấn mạnh các nước thành viên Mekong-Lan Thương cần tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin và hệ thống cảnh báo sớm về diễn biến mực nước để người dân vùng hạ lưu có những chuẩn bị cần thiết kịp thời đối phó với những hậu quả. Sự hợp tác như vậy sẽ giúp củng cố lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước Mekong-Lan Thương và thu hút sự ủng hộ của công chúng đối với khu vực này.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 6 đã thông qua 3 văn kiện kết quả, gồm Sáng kiến về tăng cường hợp tác giữa các chính quyền địa phương của các nước Mekong-Lan Thương; Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác phát triển bền vững của các nước Mekong-Lang Thương; và Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác về y học cổ truyền trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương.
Việc thành lập Hợp tác Mekong – Lan Thương được Thái Lan đề xuất vào năm 2012 nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiểu vùng này.