Phó phát ngôn Chính phủ Thái Lan Rachada Dhanadirek cho biết chương trình đảm bảo giá gạo cho niên vụ 2020-2021 sẽ được thực hiện từ 1/9/2020 đến 31/5/2021 và có ngân sách dự kiến 85 tỉ baht (khoảng 2,6 tỉ USD).
Theo kế hoạch, khoảng 23,5 tỉ baht sẽ được phân bổ cho việc đảm bảo giá gạo, 56 tỉ baht dùng để hỗ trợ các chi phí quản lý và phát triển chất lượng cho nông dân, và 5,72 tỉ baht để trợ giá cho lãi suất các khoản vay được gia hạn nhằm ổn định giá gạo nội địa.
Bà Rachada nói rằng nếu các khoản vay có tổng giá trị 30,3 tỉ baht do Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp phát hành được đưa vào thì chương trình trợ giá nói trên sẽ có ngân sách 115 tỉ baht. Bộ Thương mại sẽ sớm trình chương trình này lên Nội các để thông qua.
Chương trình trợ giá bao gồm 5 loại gạo chính là thóc gạo trắng có độ ẩm 15%, gạo Hom Mali, thóc gạo thơm Pathum Thani có độ ẩm 15%, thóc gạo nếp có độ ẩm 15% và thóc gạo thơm địa phương.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết nước này đang xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, với 3,15 triệu tấn gạo xuất khẩu trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến ngày 8/7 năm nay. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong giai đoạn đó, với 4,65 triệu tấn, tiếp sau là Việt Nam với 4,17 triệu tấn. Pakistan và Mỹ là hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ 4 và thứ 5 thế giới, với khối lượng lần lượt là 2,07 triệu tấn và 1,61 triệu tấn.
Trong năm 2019, Thái Lan đã xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo với tổng giá trị 131 tỷ baht, giảm 32% về số lượng và 25% về giá trị so với năm trước đó. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) đã đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong cả năm 2020, nhưng dự kiến sẽ điều chỉnh mục tiêu này vào ngày 22/7 tới.