Mối quan ngại ngày càng tăng về nền kinh tế Tây Ban Nha và khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của nước này đang làm dấy lên lo sợ cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu sẽ tiếp tục hoành hành, sau một thời gian "tạm nghỉ".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos cuối tuần qua khẳng định quốc gia châu Âu này sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính mà không cần viện đến viện trợ tài chính từ bên ngoài. Ông De Guindos nhấn mạnh mặc dù 2012 là một năm khó khăn đối với Mađrít, với tốc độ tăng trưởng yếu đi và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, song 2013 sẽ là một năm nhiều triển vọng tích cực hơn.
Thủ tướng De Guindos cho biết ưu tiên của chính phủ nước này là tái cơ cấu lĩnh vực công, đặc biệt là y tế và giáo dục, giảm chi tiêu theo sau việc tự do hóa thương mại và dịch vụ. Trong lĩnh vực tài chính, những mắt xích yếu, bao gồm cả các ngân hàng, sẽ bị gỡ bỏ.
Tây Ban Nha hiện trở thành trung tâm chú ý của các nhà đầu tư, với những lo ngại về khả năng chính phủ nước này thúc đẩy một chương trình "thắt lưng buộc bụng" quy mô lớn vào thời điểm kinh tế đang rơi trở lại suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Trong tuần vừa qua, vào ngày 4/4, Bộ Tài chính Tây Ban Nha chỉ bán được lượng trái phiếu trị giá 2,59 tỷ euro (3,408 tỷ USD), với thời gian đáo hạn vào các năm 2015, 2016 và 2020, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là bán được lượng trái phiếu có trị giá từ 2,5-3,5 tỷ euro. Thêm vào đó, Mađrít còn phải chịu mức lãi suất cao hơn rất nhiều. Trước thông tin đáng thất vọng này, một số nhà đầu tư tỏ ý lo sợ rằng Tây Ban Nha sẽ sớm "gia nhập đội ngũ" những nước phải xin cứu trợ.
Nếu trường hợp này xảy ra, việc cứu trợ Tây Ban Nha sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, khi quy mô của nền kinh tế "xứ sở đấu Bò tót" lớn gấp hai lần so với quy mô của ba nền kinh tế phải viện đến cứu trợ từ bên ngoài là Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen. Nhà phân tích Soledad Pellon, thuộc IGG Markets, nhận định Tây Ban Nha đang trở lại "tâm cơn bão".
Theo các chuyên gia, những mối lo ngại nói trên đã đẩy chi phí vay mượn của Mađrít lên cao. Nếu lãi suất trái phiếu lên mức quá cao, các quốc gia sẽ không thể vay mượn từ các thị trường mở và thay vào đó là buộc phải xin cứu trợ. Tại thị trường thứ cấp, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha đã có thời điểm vọt lên mức cao 5,81%, so với mức dưới 4,9% cách đây một tháng.
Hiện nay, Tây Ban Nha đang nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2012 xuống 5,3% GDP, từ mức 8,5% GDP năm 2011, nhằm thuyết phục thị trường rằng nước này sẽ không "nối gót" Hy Lạp phải xin cứu trợ tài chính từ bên ngoài, sau khi Mađrít đã không đạt được mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách xuống 6% GDP hồi năm ngoái. Song, nhiệm vụ này đang trở nên nặng nề hơn khi nền kinh tế "xứ sở đấu Bò tót" rơi trở lại suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp vọt lên 24,3%.
TTXVN/ Tin Tức