Cựu Thủ hiến Catalonia bị phế truất (giữa) và các cựu thành viên chính quyền tự trị tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 31/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cơ quan công tố Tây Ban Nha cáo buộc ông Puigdemont, hiện đang ở Bỉ, các tội danh nổi loạn, xúc giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ.
Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), quốc gia có người bị truy nã ẩn náu phải bắt và trao trả người này cho nước phát ra lệnh EAW trong thời hạn tối đa là 60 ngày.
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Công tố liên bang Bỉ Eric Van der Sijpt tối cùng ngày thông báo đã nhận được EAW của Tây Ban Nha và sẽ cân nhắc lệnh này trước khi chuyển cho một thẩm phán dự thẩm.
Theo thủ tục, cơ quan tư pháp của Bỉ sẽ phải phát một lệnh triệu tập cựu Thủ hiến Puigdemont cùng 4 quan chức trên và lệnh này phải được thực thi trong vòng 24 giờ sau khi EAW được ban bố. Ông Puigdemont có thể chấp nhận lệnh bắt giữ và trong trường hợp này, cựu thủ hiến vùng Catalunya sẽ nhanh chóng bị giao cho giới chức Tây Ban Nha. Hoặc là ông sẽ từ chối, đây được cho là kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn cả, và khi đó vấn đề sẽ trở nên rắc rối hơn.
Luật sư về luật hình sự của Bỉ Maxime Chomé cho biết khả năng kháng án là có, nếu đối tượng bị truy nã từ chối dẫn độ. Tuy nhiên, trên thực tế điều này hiếm khi xảy ra. Theo luật sư Chomé, liên quan đến một lệnh EAW, dư luận quan tâm đến việc liệu các quyền cơ bản có được tôn trọng tại đất nước ban hành lệnh này hay không. Trong trường hợp Tây Ban Nha, đây không phải là một quốc gia cho phép dùng nhục hình, nên Bỉ khó có lý do để từ chối dẫn độ.
Trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã bãi nhiệm ông Puigdemont và toàn bộ chính quyền vùng Catalunya sau khi vùng tự trị này tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. Chính phủ trung ương Madrid đã chính thức kiểm soát vùng này.
Theo kế hoạch, cuộc bầu cử tại địa phương này sẽ được tổ chức vào ngày 21/12 tới. Trong khi đó, tiến trình điều tra xét xử các cựu quan chức vùng này đang diễn ra. Ngày 2/11, 8 thành viên trong chính quyền bị phế truất của ông Puigdemont đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra.
Ngày 9/11 tới, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha sẽ mở phiên tòa đối với các cựu thành viên Hội đồng lập pháp bị giải tán của Catalunya, trong đó có cựu Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Carme Forcadell. 6 cựu thành viên hội đồng này đã bị triệu tập đến tòa với cáo buộc xúi giục và nổi loạn khi tham gia tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập vừa qua.