Hãng thông tấn Tass dẫn một nguồn tin từ Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Roscosmos cho biết tàu Soyuz MS-14 đã trải qua một hành trình bay thuận lợi, tiếp cận Trạm ISS ở khoảng cách khoảng 100m và dự kiến đáp xuống ISS lúc 8:30’ ngày 24/8 (theo giờ Moskva). Tuy nhiên, sau đó tàu vũ trụ này không thể kết nối với ISS và bắt đầu lùi ra xa và đã cách trạm vũ trụ quốc tế tới 280m.
Theo nguồn tin trên, số liệu ban đầu cho thấy hệ thống hạ cánh của tàu Soyuz MS-14 nhiều khả năng đã gặp sự cố. Tass cho biết thêm các chuyên gia đang khẩn trương đánh giá và cân nhắc khả năng thực hiện một nỗ lực hạ cánh mới xuống ISS. Tuy nhiên, Roscosmos cho biết cuộc hạ cánh lần thứ hai sẽ không diễn ra trong ngày 24/8.
Trước đó, tàu Soyuz MS-14 Nga mang theo hành khách duy nhất là robot điều khiển có hình dáng giống con người Skybot F-850 đã xuất phát từ trung tâm vũ trụ Baikonur (Kazakhstan) lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.
“Chuyến đi được thực hiện bằng chế độ tự hành. Đây là lần phóng thử nghiệm của tên lửa Soyuz MS-14 nhằm kiểm tra khả năng tương thích của hệ thống đẩy và tên lửa được nâng cấp”, đài Sputnik dẫn thông cáo báo chí của Tập đoàn vũ trụ Roscosmos (Nga).
Robot Skybot F-850 được cho là đảm nhiệm vị trí chỉ huy trên chuyến bay Soyuz MS-14. Skybot F-850 sẽ chào hỏi phi hành đoàn sống trên ISS với một thông điệp ghi sẵn, thực hiện một số nhiệm vụ, đồng thời truyền dữ liệu và thông số liên quan đến an toàn chuyến bay về Trái Đất. Theo kế hoạch, người máy Skybot F-850 sẽ trở về Trái Đất vào sáng sớm 7/9 tới.
Thông thường trong những chuyến bay vào không gian, các tàu vũ trụ Soyuz thường có người lái. Tuy nhiên, trong chuyến bay lần này, tàu Soyuz được điều khiển tự động để thử nghiệm hệ thống cứu hộ khẩn cấp mới. Theo đó, Fedor sẽ thay các phi hành gia ngồi ở ghế lái.
Người máy Skybot F-850 (Fedor) của Nga được phủ một lớp màu bạc, cao 1m80 và nặng 160 kg. Các tài khoản Instagram và Twitter cá nhân của Fedor cập nhật các hình ảnh robot này học các kỹ năng mới, chẳng hạn như mở nắp chai nước. Các kỹ năng này sẽ được Fedor thử nghiệm trong môi trường trọng lực thấp trên ISS.
Theo Giám đốc phụ trách các chương trình khoa học trong tương lai thuộc Cơ quan Vũ trụ Nga, Alexander Bloshenko, các kỹ năng cũng bao gồm việc mở và ngắt kết nối điện, sử dụng các đồ vật như cờ lê và bình cứu hỏa. Ngoài ra, Fedor còn có khả năng sao chép các hoạt động của con người, một kỹ năng quan trọng cho phép người máy này hỗ trợ các phi hành gia từ xa. Trong tương lai, những robot "giúp việc" kiểu này sẽ thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm như đi bộ ngoài không gian.
Năm 2011, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đưa người máy mang tên Robonaut-2, do General Motors phát triển, vào vũ trụ với mục đích tương tự là làm việc trong các môi trường có rủi ro cao. Người máy này đã trở lại Trái Đất vào năm 2018 sau khi gặp một sự cố kỹ thuật. Năm 2013, Nhật Bản cũng phóng lên vũ trụ một người máy nhỏ có tên Kirobodo do hãng chế tạo ô tô Toyota phát triển. Robot của Nhật Bản có khả năng trò chuyện, nhưng chỉ bằng tiếng Nhật.
Video Nga phóng tên lửa Soyuz MS-14 robot lái (nguồn: NASA):