Theo các dữ liệu mới nhất của Refinitiv, tàu Oruc Reis cùng hai tàu hộ tống đã quay trở lại một địa điểm ở ngoài khơi thành phố Antalya.
Lâu nay, hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt chính là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây càng làm dấy lên một cuộc tranh giành nguồn tài nguyên không chỉ giữa hai nước này mà còn cả CH Cyprus, Ai Cập và Israel.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ gần đây triển khai tàu thăm dò địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã gây ra những căng thẳng mới giữa hai nước, thậm chí hai nước tiếp tục leo thang căng thẳng với nhiều hoạt động quân sự trên biển. Hy Lạp vừa thông báo sẽ mua 8 máy bay chiến đấu Rafale do Pháp chế tạo, 4 khinh hạm đa nhiệm và 4 máy bay trực thăng hải quân, đồng thời tuyển thêm 15.000 binh sĩ. Chính quyền Athens cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara từ bỏ những đòi hỏi sở hữu các tuyến hàng hải tại các khu vực đang tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các nước EU từ bỏ chính sách ủng hộ "một cách mù quáng" các nước thành viên Hy Lạp và CH Cyprus trong cuộc đối đầu căng thẳng về các quyền thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải. Thậm chí, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 12/9 đã lên tiếng cảnh cáo người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron liên quan tới lập trường phản đối của Paris đối với những hoạt động hàng hải của Ankara ở Đông Địa Trung Hải.
Cũng trong ngày 12/9, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/9 thông báo nước này và Anh đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, tuần dương hạm HMS ARGYLL của Anh và tàu khu trục TCG GIRESUN của Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện đợt huấn luyện trên biển ở khu vực phía Đông của Địa Trung Hải trong ngày 11/9.