Tảng băng khổng lồ A23a đe dọa đảo South Georgia

Một tảng băng khổng lồ mang tên A23a, có diện tích khoảng 3.500km vuông (lớn gấp đôi thủ đô London của nước Anh), đang trôi dạt về phía đảo South Georgia ở Nam Đại Tây Dương. Đây là môi trường sinh sản quan trọng của chim cánh cụt và hải cẩu. Các nhà khoa học cảnh báo nếu tảng băng va chạm hoặc mắc kẹt quanh đảo, điều này có thể làm gián đoạn nghiêm trọng việc săn mồi và nuôi con của các loài động vật này. 

Tảng băng A23a tách ra từ thềm băng Nam Cực vào năm 1986. Sau hơn 30 năm bị mắc kẹt, A23a bắt đầu trôi dạt vào năm 2020. Hiện tại, tảng băng đang di chuyển dọc theo "hẻm băng trôi" (iceberg alley), được dẫn dắt bởi vòng hải lưu mạnh mẽ của Nam Cực. 

Nhà hải dương học Andrew Meijers thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh mô tả A23a như "một bức tường trắng khổng lồ cao 40-50 mét kéo dài từ chân trời này đến chân trời khác". 

Dựa trên dữ liệu vệ tinh, tảng băng A23a dự kiến sẽ tiếp cận đảo South Georgia trong vòng 2 - 4 tuần tới, với hai kịch bản có thể xảy ra. Một là tảng băng va chạm với thềm lục địa nông quanh đảo, bị mắc kẹt hoặc vỡ thành nhiều mảnh. Hai là tảng băng trôi qua đảo và tiếp tục hướng ra biển khơi, tránh gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống tại đây. Tuy nhiên, nếu A23a mắc kẹt gần đảo, tảng băng này có thể cản trở đường săn mồi của chim cánh cụt và hải cẩu, buộc chúng phải đi xa hơn, tiêu tốn nhiều năng lượng. Điều này làm giảm lượng thức ăn cho con non, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn, đặc biệt trong giai đoạn quan trọng khi các loài này đang tích cực săn mồi để nuôi con trong mùa Hè Nam Cực.

Ông Meijers cảnh báo: "Việc phải đi vòng hoặc vượt qua tảng băng sẽ khiến chim cánh cụt và hải cẩu tốn thêm năng lượng, giảm khả năng nuôi con. Điều này có thể gây ra tỷ lệ tử vong đáng kể". Thêm vào đó, dịch cúm gia cầm hiện đang hoành hành tại đảo đã làm giảm mạnh số lượng chim cánh cụt. Nếu A23a xuất hiện, tác động kép này có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. 

Tuy mang lại nhiều rủi ro, nhưng tảng băng A23a cũng có thể đóng góp tích cực khi tan chảy. A23a giải phóng các chất dinh dưỡng vào nước biển, kích thích sự phát triển của tảo biển – nguồn thức ăn quan trọng cho cá voi và nhiều loài khác. Hiện tượng này cũng tạo cơ hội để các nhà khoa học nghiên cứu cách tảo biển hấp thụ CO2, góp phần làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

Tuy nhiên, ông Meijers nhấn mạnh rằng sự gia tăng tần suất băng tan từ Nam Cực là một hệ quả rõ ràng của biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Thanh Phương (TTXVN)
Tảng băng trôi lớn nhất thế giới có thể va vào hòn đảo ở Nam Đại Tây Dương
Tảng băng trôi lớn nhất thế giới có thể va vào hòn đảo ở Nam Đại Tây Dương

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới, có tên là A23a, vẫn đang di chuyển từ Nam Cực về phía Bắc và có nguy cơ tiến đến đảo Nam Georgia, một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Nam Đại Tây Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN