Tân Tổng thống Morsi muốn xây dựng "một Ai Cập mới"

Ngày 30/6, Tổng thống đắc cử của Ai Cập Mohamed Morsi đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ và cũng là tổng thống đầu tiên của Ai Cập kể từ khi ông Hosni Mubarak bị phế truất hồi năm ngoái.


 

Tân Tổng thống Mohamed Morsi phát biểu tại lễ nhậm chức ở Cairô. AFP-TTXVN

Trong lễ tuyên thệ tại Tòa án Hiến pháp Tối cao, ông Morsi  cam kết sẽ tận tâm duy trì trật tự nền cộng hòa, tôn trọng hiến pháp, pháp luật và toàn tâm toàn ý phục vụ lợi ích của nhân dân. Ông khẳng định sẽ xây dựng một nước "Ai Cập mới". Ông nói: "Chúng ta mong muốn một ngày mai tốt đẹp hơn, một nước Ai Cập mới, một òa thứ hai".


Trước đó một ngày, trong lễ nhậm chức tượng trưng trước hàng trăm nghìn người ủng hộ tại quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo (Cairô), Tổng thống đắc cử Morsi tuyên bố sẽ xây dựng một "nhà nước dân sự và hiến pháp", đồng thời khẳng định "sẽ không cho phép ai lấy đi bất kỳ quyền lực nào của tổng thống". Ông nhấn mạnh cam kết duy trì hệ thống cộng hòa, tôn trọng hiến pháp và luật pháp, bảo vệ đầy đủ lợi ích của người dân, giữ gìn độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.


Cũng theo ông Morsi, dưới sự lãnh đạo của ông, tại đất nước Ai Cập sẽ không có bất kỳ ai hay bất kỳ thể chế nào được đặt cao hơn quyền lực và ý nguyện của người dân. Trong quan hệ đối ngoại, vị Tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập thời hậu Mubarak cũng cam kết sẽ thực hiện đường lối đối ngoại tự chủ, không phụ thuộc vào bất kỳ thế lực nào ở bên ngoài.

Trước đó, dư luận lo ngại việc ông Morsi lên cầm quyền có thể đưa Ai cập trở thành một nước Hồi giáo chính thống và thay đổi chính sách đối ngoại, trong đó có việc xét lại thỏa thuận hòa bình Ai Cập - Ixraen.


Tại cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Ai Cập hôm 16-17/6 vừa qua, ông Morsi đã đánh bại cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq với 51,73% số phiếu bầu, trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của xứ sở Kim tự tháp trong 6 thập kỷ qua. Ông Morsi năm nay 60 tuổi, là một kỹ sư. Ông tham gia tranh cử với tư cách là ứng cử viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo, nhóm Hồi giáo lớn nhất ở Ai Cập hiện nay và phần lớn trong 84 năm tồn tại của mình, tổ chức này bị các chính phủ Ai Cập đặt ngoài vòng pháp luật.

 

Các nhà quan sát cũng lưu ý rằng, việc ông Morsi đồng ý nhậm chức trước Tòa án Hiến pháp chứ không phải trước quốc hội mới được bầu (vốn đã bị phái quân sự chiếm thực quyền giải tán với lý do 1/3 số nghị sỹ được bầu một cách bất hợp pháp), cho thấy ông còn phải dè chừng phe quân sự và như vậy sự tranh chấp quyền lực giữa tổng thống với quân đội vẫn sẽ tiếp diễn.

 

TT (tổng hợp) 

 Ai Cập bỏ sắc lệnh cho phép bắt giữ dân thường
Ai Cập bỏ sắc lệnh cho phép bắt giữ dân thường

Ngày 26/6, Tòa án hành chính tại Ai Cập đã ban hành quyết định đình chỉ một sắc lệnh của Bộ Tư pháp ban hành trước đó cho phép quân đội bắt giữ dân thường. Quyết định được đưa ra sau khi tòa xem xét đơn kiện của các nhà hoạt động chính trị đối với sắc lệnh gây tranh cãi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN