Tân Tổng thống Colombia chính thức đảm nhận trọng trách

Tổng thống đắc cử Colombia Ivan Duque đã chính thức đảm nhận trọng trách nặng nề, tiếp tục đưa quốc gia Nam Mỹ này hoàn tất tiến trình hòa bình và hòa hợp dân tộc mà người dân mong mỏi trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, sau lễ nhậm chức trọng thể tại thủ đô Bogota ngày 7/8.

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Colombia Ivan Duque phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Bogota ngày 7/8. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ở độ tuổi 42, ông Duque trở thành nguyên thủ quốc gia trẻ nhất trong lịch sử cận đại Colombia. Bất chấp những chỉ trích và những quan điểm chính trị khác nhau trong các tầng lớp xã hội Colombia, đa số ý kiến đều phải công nhận rằng ông Duque là chính trị gia sắc sảo, uyên bác và có tầm nhìn sâu rộng đối với tương lai đất nước. Mặc dù vậy, vẫn có những luồng dư luận e dè về các chính sách mới trong chính quyền của ông Duque, cũng như con đường mà đất nước Colombia sẽ phải đi qua trong 4 năm tới đây.

Những quan điểm trái ngược nhau về vị tân Tổng thống cũng là điều dễ hiểu bởi cách đây 1 năm, ông Duque vẫn là một thượng nghị sỹ chưa mấy tên tuổi. Được sự hậu thuẫn của cựu Tổng thống Alvaro Uribe cùng với năng lực cá nhân và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hoạt động, ông Duque từng bước ghi dấu ấn trong suốt quá trình tranh cử với tư cách là ứng cử viên của đảng Trung tâm Dân chủ,
Tân Tổng thống Duque tiếp nhận một đất nước Colombia đã thay đổi rất nhiều trong 2 nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Juan Manuel Santos, trong đó đáng chú ý nhất là thỏa thuận đã được Chính phủ Colombia ký kết với Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) hồi cuối năm 2016, giúp chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài trong suốt hơn nửa thế kỷ và cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Tuy nhiên, Colombia mà ông Duque tiếp quản vẫn là một đất nước chia rẽ sâu sắc trong cách nhìn nhận về thỏa thuận hòa bình này, cũng vì vậy mà những gì người dân quốc gia Nam Mỹ nhận được trong hai năm qua chỉ là một nền hòa bình chưa ổn định. Đấy là chưa kể tiến trình đàm phán với một nhóm vũ trang khác là Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song vẫn chưa đạt được kết quả khi nhiệm kỳ của ông Santos khép lại.

Trong suốt quá trình tranh cử, ông Duque luôn giữ quan điểm cứng rắn trong cách đánh giá về thỏa thuận hòa bình, cho rằng chính phủ tiền nhiệm đã quá nhượng bộ trong đàm phán với FARC, đồng thời cam kết ngay sau khi lên nắm quyền sẽ tiến hành điều chỉnh một số điều khoản trong thỏa thuận này để đem lại công lý cho người dân Colombia. Thậm chí ông Duque còn khẳng định sẽ buộc các cựu thủ lĩnh của FARC phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ không được tham gia các hoạt động với tư cách là nghị sỹ quốc hội. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới quan sát, những phát biểu của ông Duque trong quá trình tranh cử không hẳn sẽ diễn ra trên thực tế khi ông lên nắm quyền, vì việc “cài số lùi” đối với một thỏa thuận đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi cả trong nước và quốc tế có thể khiến nhà lãnh đạo này phải trả một cái giá rất đắt.

Những tuyên bố sau khi thắng cử của ông Duque cũng cho thấy nhà lãnh đạo trẻ tuổi này dường như sẽ có cách tiếp cận cân bằng và thực tế hơn, cho dù có xem xét lại thỏa thuận hòa bình hay không. Khác với quan điểm cứng rắn trong nội bộ đảng Trung tâm Dân chủ, ông Duque đã bày tỏ cam kết sẽ không đi ngược lại với những cơ chế đã được thông qua trong thỏa thuận hòa bình với FARC và những điều chỉnh, nếu có, vẫn sẽ đáp ứng được nguyện vọng hòa bình chính đáng của chính phủ và các tầng lớp xã hội. Mặt khác, ông Duque cũng khẳng định sẽ tôn trọng thỏa thuận cho phép các cựu thành viên của FARC được tái hòa nhập cuộc sống xã hội.

Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ Latinh ở Hamburg (Đức) Sabine Kurtenbach cho rằng nếu không muốn hành động một cách vi hiến thì chính phủ mới ở Colombia cần phải thừa nhận rằng Tòa án Hiến pháp đã đồng ý coi thỏa thuận hòa bình là một chính sách nhà nước trong 3 khóa quốc hội tới và cũng cần phải thừa nhận rằng tiến trình hòa bình là một giải pháp ngay lập tức. Có thể thấy cách ông Duque “ứng xử” với thỏa thuận đã ký với FARC cũng sẽ tác động tới quá trình đàm phán hòa bình đang diễn ra giữa Chính phủ Colombia với ELN, bởi vậy nhà lãnh đạo Colombia chắc chắn sẽ phải thận trọng.
Bản thân tân Tổng thống Duque cũng khẳng định Chính phủ mới sẽ tiếp tục thực thi những chính sách phù hợp với pháp luật để giải giáp hoàn toàn các nhóm vũ trang và đưa họ tái hòa nhập với xã hội. Trong một thông điệp hòa giải dân tộc, ông Duque cũng kêu gọi nhân dân Colombia từng bước gác lại quá khứ bạo lực, cùng chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, đặc biệt là các khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột vũ trang.

Một thách thức không nhỏ nữa đối với tân Tổng thống Colombia, mà ông từng nhiều lần tuyên bố coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, là vấn nạn ma túy. Diện tích trồng cây coca làm nguyên liệu cho ma túy ở Colombia vẫn gia tăng, trên thực tế là một “cái gai” nhức nhối đối với nhiều đời tổng thống Colombia. Tân Tổng thống Duque coi đây sẽ là một cuộc chiến trực diện và không khoan nhượng, trong đó để loại bỏ được hoàn toàn nạn buôn bán ma túy thì cũng cần phải có những biện pháp chấm dứt mối quan hệ giữa hoạt động phạm pháp này với chính trị. Ngoài ra, chính phủ mới của Colombia cũng sẽ triển khai một cách đồng bộ các biện pháp xóa bỏ và thay thế diện tích trồng những loại cây phi pháp trong cộng đồng nông dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ truyền thống của Mỹ trong các chiến dịch triệt phá các cánh trồng cây coca rộng lớn ở các vùng rừng núi, cũng như các cơ sở sản xuất ma túy của các băng nhóm có ảnh hưởng lớn tại quốc gia Nam Mỹ này.

Với một chính phủ trẻ trung từ tổng thống cho tới các bộ trưởng, người dân Colombia hy vọng sẽ được bước vào một giai đoạn hòa bình thực sự để tập trung cho công cuộc phát triển kinh tế. Giải quyết được sự chia rẽ trong xã hội sẽ giúp cho ông Duque có cơ sở để thực thi những chính sách kinh tế trên cơ sở sự công bằng xã hội, chấm dứt được đói nghèo và nâng cao đời sống của người dân.

Hoài Nam (Pv TTXVN tại Nam Mỹ)
Xung đột vũ trang tại Colombia khiến 262.000 người thiệt mạng
Xung đột vũ trang tại Colombia khiến 262.000 người thiệt mạng

Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ dẫn báo cáo của Trung tâm Ký ức Lịch sử Quốc gia Colombia ngày 2/8 cho biết có tới 262.000 người thiệt mạng và 80.514 người mất tích do xung đột vũ trang tại quốc gia Nam Mỹ trong suốt 60 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN