Tại sao Ukraine được cam kết cung cấp vũ khí trước thềm đàm phán với Nga?

Ngay trước vòng đàm phán mới, Ukraine bất ngờ được phương Tây cam kết hàng loạt vũ khí hiện đại. Đây là bước đi chiến lược hay tín hiệu cho một cuộc đối đầu dài hơi với Nga?

Chú thích ảnh
Tổng thống Volodymyr Zelensky thị sát cuộc tập trận của binh sĩ Ukraine cùng với các thiết bị quân sự, trong đó có hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot, tại một địa điểm ở Đức, ngày 11/6/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN

Trong bối cảnh chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo với Nga, Ukraine bất ngờ nhận được những cam kết vũ khí và tài chính đáng kể từ các đối tác phương Tây. Theo báo Izvestia (Nga) ngày 22/7, động thái này không chỉ củng cố vị thế của Kiev trên bàn đàm phán mà còn phản ánh sự thay đổi trong chiến lược hỗ trợ, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và gây áp lực lên Moskva.

Cụ thể, trước thềm cuộc đàm phán dự kiến diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 23/7, theo tuyên bố của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, một diễn biến đáng chú ý đã xảy ra. Vào ngày 21/7, chỉ hai ngày trước cuộc gặp quan trọng, Kiev đã nhận được một gói vũ khí mới từ các nước phương Tây sau cuộc họp theo định dạng Ramstein. Các cam kết bao gồm tài trợ bổ sung để mua thiết bị bay không người lái (UAV) và các vũ khí phòng không, cùng với việc Pháp công bố xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị bay không người lái tại Ukraine.

Củng cố vị thế đàm phán hay mục tiêu chiến lược dài hạn?

Đánh giá về cuộc đàm phán tiềm năng, ông Rodion Miroshnik, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, phát biểu với báo Izvestia rằng Nga và Ukraine vẫn còn những bất đồng nghiêm trọng về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận các chương trình nhân đạo đang được thực hiện và gần hoàn tất.

Trong khi đó, hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu với các phóng viên rằng phía Moskva không mong đợi bất kỳ "bước đột phá kỳ diệu" nào tại các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine ở Istanbul.

Ông Peskov nêu rõ: "Thành thật mà nói: vấn đề dàn xếp với Ukraine phức tạp đến mức ngay cả việc đạt được thỏa thuận về trao đổi tù nhân hay trao trả thi thể cũng đã là một thành công rồi. Nhưng chúng tôi không có lý do gì để kỳ vọng bất kỳ đột phá kỳ diệu nào - những kết quả như vậy khó có thể xảy ra trong tình hình hiện tại".

Bên cạnh đó, ông Peskov nhấn mạnh rằng Nga có ý định tiếp tục theo đuổi các lợi ích của mình và hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra ban đầu.

Theo nhà nghiên cứu Alexander Dudchak từ Viện Các nước Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), việc Kiev công bố nguồn cung cấp mới nhằm mục đích củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán. Ukraine tin rằng bằng cách này, họ có thể tạo ra một lợi thế nhất định. Tuy nhiên, chuyên gia Dudchak cho rằng những quyết định như vậy khó có thể ảnh hưởng đến phái đoàn Nga, vốn đã hiểu rõ mục tiêu của mình.

Trong khi đó, ông Miroshnik cũng chỉ ra một thực tế quan trọng: "Về mặt trung hạn, châu Âu không thể tự mình tăng khối lượng viện trợ kỹ thuật quân sự, mà chỉ có thể tăng phân bổ ngân sách trong khi các sản phẩm quân sự chủ yếu phụ thuộc vào Mỹ, đặc biệt là trên các lĩnh vực quan trọng như phòng không". 

Dòng chảy vũ khí và cam kết với Ukraine

Theo tờ Kyiv Post.com, cuộc họp lần thứ 29 của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG), hay còn gọi là định dạng Ramstein, đã kết thúc hôm 21/7 với một loạt cam kết quân sự mới nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài.

Trong bối cảnh đó, Hà Lan đã cam kết "đóng góp đáng kể" vào việc cung cấp hệ thống phòng không Patriot của Mỹ cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans cho biết nước này cũng đang chuẩn bị gửi thêm thiết bị phòng không từ kho dự trữ của mình, bao gồm vũ khí cho máy bay chiến đấu F-16, công nghệ chống UAV và hệ thống radar. Ông Brekelmans nhấn mạnh rằng "chỉ có sự hỗ trợ mạnh mẽ và ổn định cho Ukraine, kết hợp với việc gây thêm áp lực lên Nga, mới có thể thúc đẩy Moskva" đàm phán hòa bình. 

Trước đó, Hà Lan đã cung cấp cho Ukraine 24 máy bay chiến đấu F-16, đạn dược, phụ tùng thay thế, súng phòng không, hệ thống I-HAWK và radar phát hiện UAV.

Đức cũng đã trở thành một trong những nước ủng hộ chính cho kế hoạch này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius xác nhận Berlin đã nhất trí với Washington về việc gửi năm hệ thống Patriot đến Ukraine. Đức cũng cam kết cung cấp hơn 200.000 quả đạn pháo cho hệ thống phòng không Gepard của Ukraine và tài trợ thêm cho UAV tầm xa do Ukraine sản xuất.

Mỹ, thông qua Tổng thống Donald Trump, tuyên bố nước này và các đồng minh NATO đã nhất trí về một thỏa thuận cung cấp vũ khí Mỹ cho Ukraine, với chi phí do các thành viên liên minh chi trả. Các quốc gia khác cũng không đứng ngoài cuộc: Canada sẽ đóng góp khoảng 14,6 triệu USD để bảo dưỡng xe tăng của Ukraine. Na Uy công bố chương trình mua sắm UAV trị giá 1,09 tỷ USD vào năm 2025, trong đó 436 triệu USD sẽ được dùng để mua UAV sản xuất tại Ukraine.  Thụy Điển đang chuẩn bị một gói viện trợ mới bao gồm thiết bị phòng không, pháo binh và phần cứng quân sự bổ sung.

Hãng thông tấn Đức DPA cũng đưa tin, Kiev hôm 21/7 cho biết họ cần khoản viện trợ quân sự bổ sung tương đương hơn 5 tỷ euro (5,84 tỷ USD) trong năm nay để thúc đẩy sản xuất vũ khí, khi Moskva đáp lại đề xuất của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về các cuộc đàm phán hòa bình mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Denys Shmyhal cho biết trong cuộc họp trực tuyến theo định dạng Ramstein rằng số tiền này là cần thiết để sản xuất thêm UAV điều khiển từ xa, UAV đánh chặn và vũ khí tầm xa. Theo hãng thông tấn Interfax-Ukraine, ông Shmyhal  đã yêu cầu các nước đối tác cung cấp kinh phí ngay từ năm 2026.

Ukraine đã kêu gọi cung cấp hệ thống Patriot trong nhiều tháng khi Nga tăng cường các cuộc tấn công trên không, bao gồm một cuộc tấn công kỷ lục với hơn 700 UAV chỉ trong một ngày vào đầu tháng này. Sự nhấn mạnh vào phòng không và UAV cho thấy đây là những ưu tiên hàng đầu của Ukraine trong việc đối phó với chiến thuật tấn công của Nga.

Định dạng Ramstein, được Bộ Quốc phòng Mỹ được thiết lập vào tháng 4/2022, vẫn là nền tảng điều phối chính cho hỗ trợ quân sự quốc tế cho Ukraine, với hơn 50 quốc gia thường xuyên tham gia. Việc tiếp tục phối hợp về sản xuất và cung cấp vũ khí, bao gồm cả việc các quốc gia đề nghị cấp phép sản xuất tên lửa, UAV, xe bọc thép tại Ukraine hoặc ở nước ngoài, cho thấy một chiến lược hỗ trợ dài hạn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Nga sâu sắc đến mức nào?
Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Nga sâu sắc đến mức nào?

Qua nhiều thập kỷ, hợp tác quân sự đã đóng vai trò then chốt trong quan hệ Trung – Nga, không chỉ củng cố liên kết ngoại giao mà còn giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về năng lực quốc phòng nhờ tiếp cận các loại vũ khí và công nghệ quân sự hiện đại từ Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN