Một lọ Humalog có giá tới 300 USD ở Mỹ, trong khi thuốc này được bán với giá 34 USD tại Canada mà không cần đơn của bác sĩ.
Insulin được các nhà nghiên cứu liên kết với Đại học Toronto (Canada) tìm ra cách đây gần một thế kỷ. Đây được đánh giá là một trong những phát minh y tế vĩ đại, đã cứu sống hàng triệu sinh mạng. Các nhà khoa học tiên phong này mong muốn người bị tiểu đường có thể nhận insulin miễn phí hoặc với chi phí thấp, nên đã bán bản quyền thuốc này với giá 1 USD cho Đại học Toronto.
Tuy nhiên, ngay tại một quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, các bệnh nhân tiểu đường Type 1 vẫn có thể mất mạng vì không đủ tiền mua insulin. Theo một báo cáo của Viện chi phí chăm sóc y tế, trong giai đoạn từ năm 2012-2016, chi phí trung bình để điều trị bệnh tiểu đường cho một bệnh nhân Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 2.900 USD lên 5.700 USD. Trong khi đó, số người bị tiểu đường đang tăng mạnh, lên khoảng 7,5 triệu người tại Mỹ, trong đó có 1,5 triệu bị tiểu đường Type 1.
Lý do giá insulin tại Canada rẻ hơn tại Mỹ là vì Canada kiểm soát giá thuốc. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng Canada nên “mở rộng vòng tay” đón các xe tải chở các bà mẹ mua insulin cho con, trừ khi việc bán ồ ạt insulin khiến người dân Canada bị tiểu đường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thuốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng Canada cũng không nên quá tự hào về giá insulin thấp.
Hiện cuộc tranh cãi về chi phí dược phẩm tại Canada vẫn rất nóng, khi giá thuốc tại Canada mặc dù thấp hơn tại Mỹ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tại các nước đã phát triển khác. Theo báo cáo của Hiệp hội tiểu đường Canada, tính trung bình, người bị tiểu đường tại Canada chi hơn 1.500 CAD (1.118 USD)/năm cho thuốc men và dụng cụ y tế.
Canada và Mỹ chia sẻ đường biên giới dài nhất thế giới, nơi hàng ngày có khoảng 384.000 lượt người và 2,6 tỷ CAD giá trị hàng hóa/dịch vụ đi qua.