Ngành y Hàn Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn, khi các bác sĩ bỏ chữa trị cho bệnh nhân, tuyên bố rằng quốc gia này không cần thêm bác sĩ vì đã có đủ và việc thay đổi chính sách sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ y tế ở Hàn Quốc trong tương lai.
Họ cho rằng việc tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y là không cần thiết do dân số đang giảm và Hàn Quốc vốn đã dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế. Tỷ lệ chăm sóc ngoại trú cho mỗi người ở đây là 14,7 lần/năm, cao hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 5,9, theo thống kê năm 2020.
Họ cũng kêu gọi chính phủ tìm những cách khác để phân bổ bác sĩ tốt hơn cho các khoa không được ưa chuộng như nhi khoa, sản phụ khoa và tăng thêm phúc lợi. Họ khẳng định rằng các bác sĩ đã từ bỏ vào những khoa ít phổ biến hơn nói trên, vì dịch vụ y tế mà họ cung cấp bị định giá thấp hơn đáng kể so với các dịch vụ ở các khoa phổ biến như da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ. Tại các khoa này, chi phí y tế không do hệ thống bảo hiểm y tế quy định, mà do chính các bác sĩ tự ấn định.
Theo các bác sĩ muốn đình công, chi phí thực hiện các dịch vụ sinh nở của bác sĩ phụ khoa thấp hơn nhiều so với phương pháp điều trị da bằng laser đơn giản của bác sĩ da liễu, từ đó đã khiến nhiều người lựa chọn theo nghề thứ hai.
Đáp lại nhu cầu, chính phủ cho biết các lĩnh vực y tế cần thiết sẽ được nhận thù lao theo chính sách bảo hiểm y tế mà chính phủ đã công bố hồi đầu tháng 2/2024. Theo chương trình này, các lĩnh vực nhi khoa, chăm sóc tích cực, sức khỏe tâm thần và bệnh truyền nhiễm sẽ nhận được các khoản chi phí thanh toán tùy thuộc vào mức độ khẩn cấp của các thủ thuật, cũng như những khó khăn và rủi ro của các dịch vụ không được phản ánh trong hệ thống tính phí dịch vụ.
Tuy nhiên, các bác sĩ đã khẳng định rằng việc chính phủ tăng số lượng tuyển sinh vào trường y vẫn không tăng thêm lực lượng lao động trong các khoa chăm sóc thiết yếu, mà sẽ làm tăng sự cạnh tranh để giành được các vị trí đào tạo ở các khoa phổ biến (da liễu, phẫu thuật thẩm mỹ...), đặc biệt là ở các bệnh viện tại thủ đô Seoul.
Đối với chính phủ Hàn Quốc, việc có thêm bác sĩ là điều rất quan trọng để đối phó với một xã hội già đi nhanh chóng và sự chênh lệch giữa các khu vực. Việc bổ sung 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào năm tới là lần đầu tiên nước này tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y sau 27 năm.
Theo tính toán, Hàn Quốc sẽ thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035 để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhân khẩu học. Đất nước này cần nhiều bác sĩ hơn để chuẩn bị cho một "xã hội siêu phát triển", khi người cao tuổi chiếm 20% dân số vào năm 2025 và 30% vào năm 2035.
Chính phủ cho hay, số bác sĩ chỉ ở mức 2,2/1.000 người là thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 do các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố và lưu ý rằng các quốc gia có nhiều bác sĩ bình quân đầu người cao hơn Hàn Quốc như Pháp, Nhật Bản, Đức hay Anh cũng đã hoặc dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y.
Bộ Y tế Hàn Quốc dự đoán việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo kế hoạch sẽ phần nào giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, đồng thời giải thích rằng cũng sẽ có 2.000 sinh viên trường y tốt nghiệp vào năm 2031 sau khi hoàn thành khóa học kéo dài sáu năm.
Các chuyên gia cho rằng các bác sĩ phản đối kế hoạch mở rộng vì nhiều bệnh viện, chủ yếu là tư nhân, hoạt động theo cơ cấu định hướng lợi nhuận.
"Ở các nước phương Tây, các bệnh viện công chiếm hơn 50% số cơ sở y tế, nên các bác sĩ rất hoan nghênh quyết định có thêm đồng nghiệp, vì điều đó sẽ giúp giảm khối lượng công việc mà họ vẫn được trả số tiền tương đương. Tuy nhiên tại Hàn Quốc, nhiều bác sĩ điều hành phòng khám riêng, nên nếu có nhiều đối thủ cạnh tranh, họ sẽ không thể kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai. Đó là một cuộc chiến giành lợi nhuận", Jeong Hyoung-sun, Giáo sư quản lý y tế tại Đại học Yonsei nói.
Lee Ju-yul, Giáo sư tại khoa quản lý y tế tại Đại học Namseoul, chỉ ra rằng hệ thống tính phí theo dịch vụ là nguyên nhân gây ra sự cạnh tranh giữa các bác sĩ.
"Theo chương trình này, các bác sĩ tính phí riêng cho từng dịch vụ họ thực hiện. Nhưng miếng bánh được chia sẽ nhỏ hơn nếu chúng ta có nhiều bác sĩ hơn. Đó là lý do tại sao xuất hiện tình trạng "điều trị ba phút", khi các bác sĩ chỉ dành ba phút cho mỗi bệnh nhân để tăng số lượng dịch vụ y tế nhằm đổi lấy lợi nhuận lớn hơn", Giáo sư Lee Ju-yul nhận định.
Một cuộc khảo sát do Liên đoàn Nhân viên chăm sóc sức khoẻ và y tế Hàn Quốc thực hiện vào tháng 12/2023 cho thấy, 89,3% người dân ủng hộ tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y. Con số này tăng gần 20% so với năm 2022, khi chỉ có 69,6% người dân đồng ý có thêm bác sĩ vào thời điểm đó.