Theo hãng tin Reuters (Anh), số tài sản trên ít hơn nhiều so với ước tính trước đó cho rằng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga - trị giá khoảng 300 tỷ USD - đã bị đóng băng theo một phần của lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và các đồng minh áp đặt.
Ông Reynders xác nhận EU hiện đang đóng băng khối tài sản vật chất trị giá 10,68 tỷ USD, liên quan đến các doanh nhân và quan chức Nga - bao gồm nhiều du thuyền và biệt thự của các cá nhân này. Song vị quan chức EU không đề cập đến việc 27 quốc gia thành viên EU đã báo cáo về việc tịch thu tài sản của Nga hay chưa. Đây là lần đầu tiên EU tiết lộ số tài sản mà khối này đã thu giữ của Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trước đó, Moskva xác nhận rằng tổng số tài sản khoảng 300 tỷ USD của nước này đã bị tịch thu trên toàn cầu. Con số này bằng một nửa tổng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga. Trong số đó, khoảng 100 tỷ USD đã bị Mỹ đóng băng, các khối tài sản khác nằm rải rác trong các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Theo đề xuất mới nhất được Uỷ ban châu Âu (EC) công bố hôm 25/5, các tài sản bị phong toả trong danh sách trừng phạt của EU sắp tới có thể sẽ bị tịch thu để hỗ trợ tái thiết Ukraina sau xung đột quân sự. Uỷ viên Reynders nhấn mạnh toàn bộ tài sản tịch thu được sẽ dùng để hỗ trợ tái thiết Ukraine sau khi cuộc xung đột kết thúc. Tuy nhiên, kế hoạch này được đánh giá là phức tạp cả về tư pháp lẫn chính trị.
Các nước Baltic và Ba Lan là những thành viên tích cực nhất trong việc kêu gọi EU tịch thu tài sản đang bị phong toả của Nga để hỗ trợ Ukraine, trong khi Hungary luôn là yếu tố khó lường khi vẫn phản đối gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Moskva coi động thái đóng băng tài sản của các cá nhân, thực thể của Nga về cơ bản cấu thành hành vi “chiếm đoạt”. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina xác nhận tài sản của Nga đã bị phong tỏa nhưng không bị tịch thu hay trưng dụng. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng Moskva coi việc đóng băng tài sản dự trữ của nước này là động thái chưa từng có tiền lệ và cảnh báo sẽ thách thức những quyết định trên.
Nga đã triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine sau khi cho rằng Kiev không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết vào năm 2014. Nước này sau đó cũng đã công nhận nền độc lập của 2 nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk. Điện Kremlin đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.
Phương Tây đã lên án chiến dịch quân sự của Nga và áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Moskva. Theo đó, hàng nghìn cá nhân Nga đã bị nhắm mục tiêu, nhiều tài sản và tiền bạc của họ bị chính phủ khắp châu Âu tịch thu hoặc đóng băng. Nga đã trả đũa bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả.