Vài tuần trở lại đây, các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên tục duy trì đà thắng lợi trên chiến trường, với việc đoạt lại nhiều cứ điểm quan trọng do quân nổi dậy chiếm giữ trước đó.
Gia tăng ảnh hưởng nghị trường
Tổng thống Assad. Ảnh: AP |
Damascus đã thành công trong việc khai thác chia rẽ nội bộ giữa các phe phái đối lập, ngăn chặn tiếp viện từ bên ngoài đối với lực lượng này. Ưu thế trên chiến trường được cho là sẽ gia tăng vị thế của Tổng thống Assad trong các cuộc hòa đàm dự kiến sẽ được tổ chức tại Geneva tới đây - gọi tắt là Hội nghị Geneva-2.
Chính phủ Syria và lực lượng đối lập đều tuyên bố sẵn sàng có mặt Geneva-2 do Mỹ và Nga đồng tổ chức. Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đã đặt ra một số điều kiện cho việc tham dự hội nghị này, trong đó có điều khoản buộc Tổng thống Asssad từ bỏ quyền lực, không giữ bất kì vai trò nào trong tiến trình chuyển tiếp ở Syria. Còn Damascus thì tuyên bố, đòi hỏi này của SNC là không thể chấp nhận được.
Khi mà những tranh cãi còn chưa đi đến hồi kết thì trên chiến trường, tương quan lực lượng lúc này đang có lợi cho lực lượng ủng hộ ông Assad. Quân đội chính phủ liên tục giành được các chiến thắng quan trọng. Lực lượng trung thành với Tổng thống Assad đã có những chiến thắng lớn tại ngoại ô Damascus với sự trợ giúp quan trọng từ lực lượng do Hezbollah hậu thuẫn, chiếm lại được 5 thị trấn từ hôm 11/10. Chiến thắng mới nhất là giành lại Hejeira hôm 13/11, chỉ sau một ngày làm chủ khu vực ngoại ô Sbeineh. Tại phía bắc, ngay trong tháng 11 này, lực lượng của ông Assad đã chiếm lại được hai thị trấn Safira và Tel Aran nằm ở đông nam Aleppo và tái chiếm thêm một căn cứ quân sự gần sân bay Aleppo. Hiện nay, Aleppo, thành phố lớn nhất nước, là điểm chốt quan trọng nhất. Quân chính phủ và quân đội lập đã giành giật nhau từng điểm tại khu vực này từ mùa hè năm 2012, với chiến tuyến chưa được xác lập rõ ràng. Một khi giành được ưu thế tại đây, tổn thất đối với phe nổi dậy có thể lớn hơn những gì người ta tưởng.
Ưu thế trên chiến trường càng lớn thì Tổng thống Assad càng có điều kiện để bác bỏ các đòi hỏi từ phe đối lập, cùng với đó là vị thế chính trị nổi trội tại các cuộc đàm phán hòa bình. Hisham Jaber, tướng về hưu Liban, Chủ tịch Trung Tâm nghiên cứu chính trị Trung Đông có trụ sở tại Beirut bình luận. “Ông Assad muốn đến Geneva với vốn liếng trong tay, chứ không phải là cục nợ. Ông đang tận dụng từng ngày để giành thắng lợi trên chiến trường. Và khi đến Geneva, Tổng thống Assad có quyền nói rằng: Ok... tình hình là như vậy đấy, chúng tôi mạnh mẽ trên chiến trường, còn các ông có gì?”.
Quân nổi dậy tan đàn xẻ nghéNgược lại, phe đối lập lại đang trong tình cảnh nồi da xáo thịt, đánh giết lẫn nhau, nhất là khi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (có liên hệ với al-Qaeda) tiến vào các khu vực do các nhóm đối lập khác nắm giữ. Phiến quân theo quan điểm cực đoan, chủ yếu là từ nước ngoài xâm nhập vào, đã đụng độ với các lữ đoàn đối lập ôn hòa khác, gây ra nhiều thương vong, thiệt hại cho cả hai bên.
Không những vậy, nhóm chiến binh Hồi giáo ngoại lai này còn xung đột với cả cộng đồng người Kurd ở Syria, chủ yếu sống ở đông bắc và nhiều nơi thuộc tỉnh Aleppo. Chính hình thái “cuộc chiến 2 trong 1” này đã làm suy yếu sức mạnh của quân đối lập, hủy hoại khả năng liên kết chống quân đội chính phủ. Abu Thabet, chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Kiếm Aleppo đã thừa nhận: “tình cảnh chém giết lẫn nhau đã gây ra nhiều thiệt hại lớn. 6 tháng trước, quân chính phủ luôn ở thế phòng ngự bị động. Nhưng sau khi xảy ra đánh giết lẫn nhau trong nội bộ, giờ thì họ bắt đầu tấn công, còn chúng tôi thì lui vào phòng ngự”.
Bên cạnh đó, quân đối lập còn cảm thấy bực dọc do Mỹ quyết định tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Syria thay vì tấn công quân sự lật đổ Tổng thống Assad. Hệ quả đi liền là dòng vũ khí đến tay quân đối lập cũng bị giảm đi đáng kể, nhất là trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường các biện pháp kiểm tra an ninh tuyến biên giới, kiên quyết diệt trừ các phần tử Hồi giáo cực đoan.