Điều trị cho người dân Syria nghi bị nhiễm khí độc trong vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta, Syria ngày 25/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng thông tấn nhà nước SANA ngày 10/4 đưa tin Bộ Ngoại giao nước này "đã chuyển lời mời chính thức tới OPCW", đề nghị tổ chức này cử một nhóm chuyên gia tới thị sát thị trấn Douma và điều tra các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại đây.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã kêu gọi các nhà điều tra quốc tế mở điều tra độc lập sau vụ tấn công trên. Ông Guterres cho rằng "tính nghiêm trọng trong các cáo buộc gần đây đòi hỏi cần có một cuộc điều tra thấu đáo, dựa trên ý kiến khách quan, độc lập và giàu tính chuyên môn của giới chuyên gia.
Ngoài ra, TTK LHQ còn tái khẳng định hoàn toàn ủng hộ việc đảm bảo cho tổ chức OPCW quyền tiếp cận đầy đủ thông tin để hoàn thành sứ mệnh xác minh sự thật về vụ việc trên.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump về vụ tấn công tại thị trấn Douma và khẳng định London đang cùng các đồng minh và đối tác khẩn trương đánh giá vụ việc.
Hôm 6/4 vừa qua, các lực lượng quân đội Chính phủ Syria đã mở một cuộc tấn công trên bộ vào thị trấn Douma, gần thủ đô Damascus. Trong 24 giờ sau đó, theo hãng tin AFP, quân chính phủ tiến hành một loạt cuộc không kích mới nhằm vào mục tiêu của phiến quân tại khu vực này, khiến ít nhất 80 người thiệt mạng, trong đó có hàng chục trường hợp tử vong được cho là do hít phải khí độc. Tuy nhiên, Chính phủ Syria phủ nhận sử dụng vũ khí hóa học trong vụ việc trên.
Hôm 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo tiến hành một cuộc tấn công quân sự chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời tuyên bố bất kỳ quốc gia nào bị phát hiện có trách nhiệm trong vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hoá học này sẽ "phải trả giá".
Chính phủ Syria đã bác bỏ những cáo buộc của phương Tây về việc liên quan đến vụ tấn công trên. Nga cũng cảnh báo sẽ đáp trả các hành động khiêu khích trong vấn đề Syria.