Người phát ngôn của NLF Naji Mustafa thông báo không có bất kỳ hoạt động rút vũ khí hạng nặng ra khỏi bất kỳ "vùng nào hoặc mặt trận nào", đồng thời bác bỏ báo cáo cho rằng liên minh này đã bắt đầu rút vũ khí ra khỏi vùng phi quân sự được lập theo như kế hoạch trong thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/9 vừa qua.
Trước đó, cùng ngày, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) thông báo nhóm nổi dậy Failaq al-Sham thuộc NLF đã bắt đầu rút các vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng nông thôn miền Nam tỉnh Aleppo, nằm cạnh tỉnh Idlib, và là một phần trong khu phi quân sự về phía Tây theo thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tạo một vùng đệm trong khu vực.
Người phát ngôn của nhóm Failaq al-Sham, Sayf al-Raad cũng tuyên bố nhóm này không rút bất kỳ quân hoặc vũ khí nào ra khỏi vùng này.
Ngày 17/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí thiết lập khu phi quân sự giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy xung quanh tỉnh Idlib.
Khu này rộng khoảng 15 - 20km dọc theo đường ranh giới hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng đối lập. Các nhóm nổi dậy cực đoan đều sẽ phải rút khỏi khu phi quân sự, trong đó bao gồm nhóm Mặt trận Al-Nusra trước ngày 15/10 tới và các loại vũ khí sẽ phải rút khỏi khu vực này trước ngày 10/10 tới.
Trước đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện quan điểm khác nhau về kế hoạch của quân đội Chính phủ Syria mở cuộc tấn công giải phóng Idlib, nơi được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng khủng bố và phiến quân ở Syria.
Moskva cho rằng kế hoạch tấn công này sẽ giúp quét sạch khủng bố ra khỏi Syria, trong khi Ankara lo ngại sẽ phải đối mặt với làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ về do tỉnh Idlib giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ nhân đạo cũng đã cảnh báo rằng một cuộc tổng tấn công Idlib có thể gây ra một thảm họa nhân đạo quy mô lớn chưa từng thấy trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm nay ở Syria.