Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đưa ra tuyên bố khẳng định cuộc đảo chính nhằm phá hoại quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Sudan là không thể chấp nhận. Ông nhấn mạnh nếu tình hình không được đảo ngược ngay lập tức, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với cam kết của EU, bao gồm hỗ trợ về tài chính. Ngoài ra, EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức đứng đằng sau cuộc đảo chính này, cụ thể là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Sudan Abdel Fattah al-Burhan.
Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo thể chế tài chính này đang theo dõi diễn biến tại Sudan sau cuộc đảo chính.
Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF hồi tháng 6/2021 đã quyết định giảm 50% khoản nợ cho Sudan theo Sáng kiến giảm nợ dành cho những nước nghèo, theo đó các khoản nợ của nước này còn 28 tỷ USD, cùng với cam kết bổ sung các khoản trợ cấp nếu nước này tiếp tục cải cách kinh tế.
Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính, Mỹ - quốc gia ủng hộ chính phủ chuyển tiếp, đã lên án mạnh mẽ hành động của quân đội và đình chỉ hàng trăm hàng triệu USD viện trợ.
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc một loạt biện pháp kinh tế để ứng phó với cuộc đảo chính của lực lượng quân đội nước này sau khi quyết định tạm ngừng khoản viện trợ khẩn cấp 700 triệu USD dành riêng cho các quỹ hỗ trợ kinh tế cho Sudan ngay sau khi xảy ra cuộc đảo chính hôm 25/10.