Sự trỗi dậy của Trung Quốc giúp đoàn kết nước Mỹ dưới 'lá cờ' thương chiến?

Trung Quốc đang giúp đoàn kết một nước Mỹ chia rẽ, nơi hai phe Dân chủ-Cộng hòa đấu đá dữ dội xung quanh một loạt các vấn đề trong nước, song nay dường như đồng lòng với Tổng thống Trump trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentina cuối năm 2018. Ảnh: AP

Quyết định của Bắc Kinh xem xét lại bản dự thảo thoả thuận thương mại với Mỹ và đe doạ ngừng cung cấp đất hiếm đã khiến người Mỹ tin rằng Washington đang đưa ra đòi hỏi chính đáng với Trung Quốc về tiếp cận thị trường một cách bình đẳng và chấm dứt nạn đánh cắp công nghệ.

“Chơi hay đấy. Cậu là tay xuất sắc nhất trong đội của chúng tôi”. Đó là một câu nói mỉa mai phổ biến sau các trận đấu thể thao ở Mỹ, khi một người chơi bắt tay đối thủ, ý chê đối phương chơi dở và tạo thuận lợi cho đội mình.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ví von rằng lần tới khi gặp đối thủ trong cuộc chiến thương mại – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có thể sử dụng câu nói đó. Trong cuộc chơi “đòn thuế của ai nặng hơn”, hành động của Bắc Kinh trong những tuần qua đã giúp ông Trump khá nhiều.

Trung Quốc đang vô tình giúp đoàn kết một nước Mỹ chia rẽ, nơi hai phe Dân chủ-Cộng hòa thời gian qua đấu đá dữ dội xung quanh một loạt vấn đề trong nước, từ bức tường biên giới cho đến nạo phá thai. Mặc dù vậy, đó không phải là những vấn đề phổ quát và đạt được nhân thức chung với người Mỹ như dân chủ và nhân quyền. Người Mỹ dường như đang chuẩn bị chịu đựng một số nỗi đau kinh tế để bảo vệ các nguyên tắc mà họ tin là nền tảng của nước Mỹ.

Một số đối thủ của Tổng thống Trump trong vài tuần trở lại đây đã ra mặt ủng hộ ông trong cuộc chiến thương mại, với quan điểm: “Tôi không thích ông ấy, nhưng tôi ủng hộ ông trong vấn đề này”. Còn New York Times, tờ báo nổi tiếng theo quan điểm phản đối Tổng thống Trump, đã đăng một loạt bài về vấn đề Tân Cương của Trung Quốc, có đề cập đến sự liên quan của công ty công nghệ viễn thông đang gây tranh cãi Huawei.

Từ tháng 4, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung dường như đã rơi vào bế tắc, khi Bắc Kinh gửi lại bản dự thảo 150 trang mà hai bên đạt được trong vòng đàm phán trước, với nhiều nội dung đã thống nhất bị gạch bỏ hoặc xem xét lại. Có tin cho hay những thay đổi này được thực hiện theo lệnh của Chủ tịch Tập Cận Bình hoặc các trợ lý của ông.

Dù xuất phát từ đâu thì những thay đổi trong quan điểm của phái đoàn Trung Quốc đã khiến Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phải bật ra một từ ít nghe thấy trong ngoại giao quốc tế, khi ông nói Bắc Kinh “thất hứa”.

Chú thích ảnh
Huawei là cái tên gây tranh cãi, đang kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters

Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, một cựu chủ ngân hàng đầu tư Phố Wall vốn khá thân thiện bên phía đoàn đàm phán Mỹ, cũng công khai bình luận phản đối chiến thuật của Trung Quốc.

Trên thực tế, các chuyên gia thường chấm dứt đàm phán khi phía bên kia tìm cách thương lượng lại các điểm đã thống nhất. Đáp lại hành động "đổi thái độ" của Bắc Kinh, Tổng thống Trump đã yêu cầu ông Lighthizer tăng thuế từ 10% lên 25% đánh vào 200 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu hằng năm vào Mỹ và chuẩn bị tăng thuế đối với lượng hàng trị giá 325 tỉ USD. Nếu không có bất cứ tiến bộ nào đạt được để tiến tới thoả thuận thương mại, thì quá trình đàm phán sẽ phải dừng hoàn toàn.

Tiếp đó, Bộ Thương mại Mỹ thông báo cấm các doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện, nguyên liệu cho "người khổng lồ" viễn thông Trung Quốc Huawei. Đây là một cú đòn giáng mạnh vào hoạt động của Huawei trừ phi họ có thể vượt qua khó khăn bằng cách tìm được nguồn thay thế những linh kiện chip tiên tiến vốn phải nhập từ Mỹ.

Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc có thể ngừng cung cấp các kim loại đất hiếm cần thiết để sản xuất nhiều sản phầm điện tử và quân sự, từ điện thoại iPhone cho đến tên lửa dẫn đường. Tờ Thời báo Hoàn cầu chạy dòng tít: “Mỹ cần đất hiếm trong tay Bắc Kinh”, với thông điệp rõ ràng là: Các anh ngừng nguồn cung của Huawei, thì chúng tôi sẽ ngắt nguồn cung của các anh còn nhiều hơn.

Chú thích ảnh
Ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc trên trang bìa các tạp chí tiếng Trung. Ảnh: Sputnik

Với những người Mỹ tin rằng các nhà đàm phán chỉ đơn giản yêu cầu Trung Quốc tiếp cận thị trường một cách công bằng và chấm dứt nạn đánh cắp công nghệ Mỹ, rằng Huawei là một vấn đề riêng rẽ, thì mối đe doạ từ Bắc Kinh – như việc vũ khí hoá đất hiếm và làm tổn thương kinh tế Mỹ trên diện rộng – là không phù hợp và mang tính khiêu khích.

Những thông tin về việc các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc tin rằng họ đang bị tổn hại bởi các đòn trả đũa cũng giúp ông Trump thu thập được nhiều sự ủng hộ ở quê nhà. Người Mỹ thấy rõ ràng là những chuyện đó sẽ không xảy ra mà không có sự cho phép của Bắc Kinh.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, hiện tượng thù địch địa phương luôn là một trong những lý do tại sao dù Mỹ có đi đến bất cứ thoả thuận nào với Bắc Kinh thì dường như cũng khó thay đổi được nhiều trên thực tế với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.

Xâu chuỗi lại với nhau, những sự kiện gần đây cho thấy một Trung Quốc không quan tâm đến việc thừa nhận những gì người Mỹ tin chỉ là những yêu cầu đơn giản, công bằng trong tiếp cận thị trường và bảo vệ tài sản trí tuệ. Vấn đề tài sản trí tuệ đã trở thành một điều kiện thiết yếu cho bất kỳ thoả thuận thương mại nào đối với các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh Mỹ. Và họ không muốn Tổng thống lùi bước về vấn đề này. Trong khi đó, các doanh nhân Trung Quốc sẽ không thực hiện những thay đổi đánh vào ví tiền của họ trừ khi bị chính phủ ép buộc.

Về phần mình, Tổng thống Trump có lẽ nên cảm ơn Bắc Kinh đang giúp ông kéo người Mỹ về phe mình. Nhà lãnh đạo Mỹ đã tỏ ra kiên định với mục tiêu buộc Trung Quốc thay đổi các tập quán thương mại, nhưng vì ông là Donald Trump, nên rất ít đối thủ chính trị của ông nói sớm rằng họ sẽ ở lại với ông. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ tăng hơn 40% giữa lúc thương chiến Mỹ-Trung leo thang
Xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ tăng hơn 40% giữa lúc thương chiến Mỹ-Trung leo thang

Trong Quí I/2019, kim ngạch nhập khẩu hàng Việt Nam của Mỹ đã tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN