Theo phóng viên TTXVN tại Canada, khách hàng của Rogers không thể làm việc tại nhà hay liên lạc với bạn bè và gia đình. Hệ thống ghi nợ Interac bị gián đoạn, buộc một số doanh nghiệp phải chuyển sang sử dụng tiền mặt. Du khách cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, chẳng hạn như không thể truy cập vào GPS, hoặc không thể trả tiền xăng.
Rogers đã gửi lời xin lỗi khách hàng trên tài khoản Twitter và cho biết "các đội kỹ thuật đang nỗ lực làm việc để khôi phục dịch vụ càng nhanh càng tốt". Tuy nhiên, Rogers không tiết lộ điều gì đã gây ra sự cố mạng hoặc số lượng khách hàng bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Công nghiệp Canada François-Philippe Champagne cho biết chính phủ đã liên hệ với hãng viễn thông có trụ sở tại Toronto này, đồng thời nói thêm rằng chính phủ sẽ “sử dụng mọi công cụ hiện có để đảm bảo người dân Canada luôn được kết nối và công ty đáp ứng tiêu chuẩn cao mà người dân Canada xứng đáng được hưởng”.
Interac cho biết sự cố mạng đã làm gián đoạn các dịch vụ ghi nợ trực tuyến và tại các điểm thanh toán, cũng như các dịch vụ chuyển khoản điện tử. Trong 12 tháng tính đến tháng 4/2022, Interac đã đạt trên 1 tỷ lượt chuyển khoản điện tử ở Canada, hay trung bình hơn 2,7 triệu lượt mỗi ngày. Theo một cuộc khảo sát của Interac, 88% người Canada cho biết họ đã sử dụng chuyển khoản điện tử.
Sự cố mạng của Rogers cũng làm gián đoạn các dịch vụ khẩn cấp trên toàn quốc. Cảnh sát Ottawa khuyến cáo khách hàng của hãng nên gọi từ điện thoại cố định hoặc điện thoại di động của một nhà viễn thông khác.
Hồi tháng 4/2021, Rogers đã phải trải qua sự cố mất mạng không dây trên toàn quốc kéo dài 16 giờ. Công ty cho biết, sự cố này bắt nguồn từ bản cập nhật phần mềm của nhà cung cấp Ericsson, khiến các thiết bị bị ngắt kết nối mạng.
Đại diện của các hãng viễn thông lớn khác của Canada như Bell Canada và Telus Corp. cho biết mạng của họ đang hoạt động bình thường, nhưng các kết nối đến và đi từ mạng Rogers bị gián đoạn.