Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong tuyên bố của mình, Tổng thống Mohamud khẳng định vũ khí do chính phủ kiểm soát sẽ không gây ra mối đe dọa cho người dân và thế giới.
Năm 1992, LHQ đã áp đặt lệnh cấm vận đối với mọi hoạt động vận chuyển vũ khí tới Somalia, mặc dù trong những năm gần đây HĐBA đã nới lỏng các hạn chế trong việc bán vũ khí cho chính quyền trung ương.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 1/12, HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết dỡ bỏ những quy định hạn chế cuối cùng đối với các hoạt động chuyển giao vũ khí cho Chính phủ Somalia và các lực lượng an ninh của nước này, hơn 30 năm sau khi lệnh cấm vận vũ khí đầu tiên được áp đặt đối với quốc gia Đông Phi này. Quyết định đưa ra vẫn duy trì lệnh cấm vận cung cấp vũ khí cho nhóm Hồi giáo Al-Shabaab và các nhóm nổi dậy khác.
Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Somalia đánh giá quyết định này được đưa ra vào thời điểm rất quan trọng với quốc gia và người dân Somalia vì nước này vẫn đang trong cuộc chiến chống phiến quân Al-Shabaab. Hiện Somalia đang củng cố năng lực quân đội có khả năng đảm nhận trách nhiệm an ninh chung của đất nước.
Sau khi đạt được những thành tựu ban đầu, cuộc tấn công của chính phủ phát động vào tháng 8/2022 chống lại Al-Shabaab đã bị đình trệ, dẫn đến nghi ngờ về khả năng của chính phủ trong việc dập tắt cuộc nổi dậy kéo dài 16 năm của nhóm có liên kết với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Các hoạt động của quân đội, liên minh với lực lượng dân quân bộ tộc đã nhận được sự hỗ trợ của Phái bộ Chuyển tiếp của Liên minh châu Phi ở Somalia (ATMIS), giúp giành lại các khu vực rộng lớn. ATMIS dự kiến rút quân khỏi Somalia vào cuối năm 2024, nhưng Chính phủ Somalia đã yêu cầu "tạm dừng kỹ thuật" việc rút quân. Do đó, sứ mệnh sẽ giảm từ 17.626 binh sĩ hiện nay xuống còn 14.626 vào cuối năm nay.