Theo IOM, có ít nhất 1.146 người di cư đã thiệt mạng trên biển kể từ tháng 1-6/2021 khi cố gắng đến châu Âu, trong khi số người di cư tìm cách vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu tăng 58%. Số người thiệt mạng có thể cao hơn nhiều vì một số vụ đắm tàu thường không được báo cáo.
Báo cáo của IOM cũng cho biết hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở biển Địa Trung Hải, với 896 trường hợp được báo cáo kể từ tháng 1-6/2021, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tuyến đường biển từ Libya đến Italy là nguy hiểm nhất, cướp đi sinh mạng của ít nhất 751 người, tiếp theo là tuyến đường biển phía Tây đến Tây Ban Nha, với 149 người thiệt mạng và ít nhất 6 người chết trên tuyến đường biển đến Hy Lạp. Trong khi đó, tại Đại Tây Dương, có 250 người di cư đã thiệt mạng khi vượt biển từ Tây Phi đến quần đảo Canary.
Theo báo cáo, tác động của đại dịch COVID-19 và những biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch có thể giải thích cho số lượng người cố gắng di cư trên các tuyến đường biển đến châu Âu trong năm ngoái. Tổng số người di cư trong năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015, thời điểm mà nhiều người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria.
Người phát ngôn của IOM, bà Safa Msehli cho rằng có một số lý do để lý giải cho sự gia tăng số người di cư, tị nạn bị thiệt mạng trên tuyến đường biển trong năm nay. Đó là do “sự thiếu vắng các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn chủ động do nhà nước lãnh đạo trong các vùng biển quốc tế, kết hợp với các hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ”. Đồng thời, bà Safa Msehli nhấn mạnh “những người này không thể bị bỏ rơi trong một cuộc hành trình nguy hiểm như vậy”.