Trong cuộc họp báo ngày 31/7, quan chức phụ trách vấn đề người di cư của Panama - bà Maria Isabel Saravia cho biết kể từ đầu năm đến nay, đã có tổng cộng 248.901 người di cư đi qua rừng lầy Darien Gap. Con số này cao hơn 600 người so với tổng số người di cư đã đi qua tuyến đường nguy hiểm này trong năm 2022 và gần gấp đôi tổng số người di cư bằng cách tương tự trong năm 2021. Khoảng 21% số người di cư đi qua Darien Gap trong năm 2023 (tính đến thời điểm này) là trẻ em và thanh thiếu niên, trong đó 50% là những em nhỏ dưới 5 tuổi. Giới chức Pamana cho rằng số người di cư tìm cách vượt rừng Darien Gap có thể lên đến 400.000 người vào cuối năm nay.
Tuy được coi là nơi nguy hiểm nhất thế giới, nhưng rừng lầy Darien Gap - với chiều dài 265km, dọc theo biên giới Panama-Colombia - vẫn là "hành lang chính" cho người di cư đi từ Nam Mỹ đến nước Mỹ, vì nếu băng qua được Darien Gap, thì đây sẽ là con đường ngắn hơn so với đường biển và chi phí cũng thấp hơn đáng kể. Trên hành trình đi qua Darien Gap, người di cư có thể đối mặt với nhiều nguy cơ từ rắn độc, thú dữ, địa hình hiểm trở, các toán cướp... Cho đến nay, chưa có con số thống kê chính xác về số người di cư bỏ mạng trong khu rừng này.
Hồi tháng 4, các nước Mỹ, Colombia và Panama đã công bố thỏa thuận chung về giải quyết vấn đề người di cư. Các bên khẳng định sẽ tạo ra “những con đường hợp pháp và linh hoạt mới cho hàng chục nghìn người di cư và người tị nạn như giải pháp thay thế cho việc di cư bất hợp pháp”. Trong số các biện pháp này, có nỗ lực đầu tư nhằm giảm đói nghèo và tạo việc làm cho các cộng đồng ở biên giới Colombia và Panama.