Dẫn báo cáo về giới siêu giàu thế giới do Công ty Altrata có trụ sở tại New York, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết số lượng tỷ phú thế giới đã giảm 3,5% vào năm ngoái xuống còn 3.194 người, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc giảm mạnh nhất.
Theo báo cáo, tài sản tích tích luỹ của giới siêu giàu đã giảm 5,5% xuống còn 11,1 nghìn tỷ USD, trong bối cảnh lạm phát và bất ổn toàn cầu gia tăng. Các tỷ phú trong nhiều lĩnh vực - từ dịch vụ tiêu dùng đến năng lượng, chăm sóc sức khỏe đến khách sạn - đã có giá trị tài sản giảm ít nhất 5% trong năm ngoái.
Số lượng tỷ phú của Trung Quốc đã giảm 11%, xuống còn 357 tỷ phú. Tổng giá trị tài sản của những tỷ phú này cũng giảm 9,3% xuống còn 1,3 nghìn tỷ USD.
Hong Kong (Trung Quốc) - một trong những nơi tập trung nhiều tỷ phú nhất thế giới, đứng thứ 2 trong số 16 thành phố tỷ phú, chỉ sau New York - cũng ghi nhận mức giảm 1,8%, xuống còn 112 tỷ phú. Tổng tài sản của những người này giảm 7% xuống còn 267 tỷ USD.
Hong Kong đã mất đi 2 tỷ phú vào năm ngoái. New York có 136 tỷ phú, cũng giảm 2 người so với năm 2021. Khu vực này đứng thứ 6 cùng với Nga trong danh sách các trung tâm tỷ phú hàng đầu thế giới, dù những người giàu của Nga có khối tài sản lớn hơn, lên tới 479 tỷ USD.
Tại Trung Quốc đại lục, có 3 thành phố góp mặt trong bảng xếp hạng - với Bắc Kinh ở vị trí thứ 6, Thâm Quyến đứng thứ 9 và Hàng Châu đứng thứ 12.
Mỹ - nước dẫn đầu thế giới về số lượng tỷ phú – đã ghi nhận sự sụt giảm 2,1%, xuống còn 955 tỷ phủ. Tài sản của nhóm người này cũng giảm 5,2% xuống còn 4,2 nghìn tỷ USD. Báo cáo lưu ý mức giảm tương đối khiêm tốn này đã giúp kinh tế lớn nhất thế giới duy trì vị trí dẫn đầu và nới rộng khoảng cách so với Trung Quốc.
“Theo các tiêu chuẩn gần đây, năm 2022 là một năm có nhiều biến động đối với nền kinh tế thế giới - từ đại dịch toàn cầu đến xung đột mới ở châu Âu, lạm phát gia tăng mang tính thế hệ, căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng sâu sắc và sự định hình lại trật tự địa chính trị”, báo cáo cho biết.
Nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,4%, với mức lạm phát cao 7,3% ở các nền kinh tế tiên tiến đến 9,8% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Trong khi đó, chỉ số MSCI - thước đo hiệu suất của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu - đã giảm 18%. Mặt khác, các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu giảm cả về số tuyệt đối cũng như số vốn huy động.
Theo sau Mỹ và Trung Quốc trong bảng xếp hạng lần lượt là Đức, Anh và Ấn Độ.
Trong số 15 quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng tỷ phú lớn nhất thế giới, chỉ có Singapore và Nga có thêm tỷ phú.
Bằng cách thu hút thêm nhiều cá nhân thuộc tầng lớp giàu có, số lượng tỷ phú ở Singapore, xếp thứ 13, đã tăng 8% lên 54 người. Tổng tài sản của họ cũng tăng 2,1% lên 101 tỷ USD.
Nga cũng đi ngược lại xu thế khi các tỷ phú của nước này đã vượt qua sự biến động của năm 2022 và đồng rúp vẫn giữ được giá trị bất chấp các lệnh trừng phạt.
Bà Maya Imberg, Giám đốc công ty nghiên cứu tài sản Wealth-X, cho biết: “Mặc dù số lượng tỷ phú ở Nga tăng thêm 5 người lên tổng số 112 người vào năm 2022, nhưng tổng tài sản của họ chỉ tăng gần 1%. Có thể thấy, sự phát triển của một quốc gia rõ ràng ảnh hưởng đến khối tài sản và số lượng tỷ phú”.