Israel cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 103 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân bình phục kể từ tối 11/4 là 286 người, cũng là số bình phục cao nhất trong một ngày tại Israel, qua đó nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh tại nước này lên 1.627 người. Hiện tại ở Israel có 737 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện, 7.241 người đang điều trị tại nhà, 1.029 người đang được cách ly tại các khách sạn.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cơ quan việc làm Israel cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng từ mức 4% vào ngày 1/3 lên 25,8%.
Cùng ngày, nhà chức trách Paletine thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các vùng lãnh thổ Palestine đã tăng lên 290 ca. Tổng cộng 58 người nhiễm đã bình phục và xuất viện, song vẫn phải cách ly thêm 2 tuần ở nhà.
Chính quyền Palestine đang chuẩn bị đưa người hàng chục người Palestine trở về Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah.
Trước đó, Ai Cập tuyên bố sẽ mở cửa khẩu Rafah từ ngày 13 - 16/4 để những người Palestine được trở về Dải Gaza. Rafah là cửa khẩu biên giới then chốt kết nối khoảng 2 triệu người Palestine đang sinh sống tại Dải Gaza với thế giới bên ngoài, đồng thời là cửa khẩu duy nhất trong khu vực này không bị Israel kiểm soát. Ai Cập thường mở cửa khẩu Rafah vào một số thời điểm cho các mục đích nhân đạo.
Trong khi đó, cơ quan y tế tại Gaza, hiện do phong trào Hamas kiểm soát, xác nhận hiện có 632 người đang được cách ly tại vùng lãnh thổ này. Người phát ngôn của Cơ quan Y tế tại Gaza Ashraf al-Qedra cho biết hệ thống y tế tại khu vực duyên hải này đang trong tình trạng quá tải, đồng thời kêu gọi hỗ trợ thêm các thiết bị và bộ xét nghiệm để ứng phó với đại dịch. Dự kiến những công dân Palestine trở về vào Gaza ngày 13/4 sẽ được cách ly tại các trung tâm trong 21 ngày.
Tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bộ Y tế và phòng ngừa nước này xác nhận có thêm 387 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 4.123 ca. Các trường hợp nhiễm mới mang các quốc tịch khác nhau. Tất cả đều trong tình trạng ổn định và đang được điều trị. Bên cạnh đó, UAE cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 22 ca.
Tại Jordan, Chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian ngừng làm việc của các cơ quan công, các bộ, trường học và cơ sở giáo dục cho đến ngày 30/4 tới.
Quốc vụ khanh phụ trách truyền thông của Jordan Amjad Adaileh khẳng định biện pháp trên nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân Jordan, cũng như kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Cũng theo quan chức này, các cửa hàng tạp hóa và các trung tâm tại các khu mua sắm có thể mở cửa trở lại vào ngày 13/4, nhưng người dân chỉ được phép đi bộ đến các cơ sở này. Các nhà hàng cũng sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ giao đồ ăn nhưng phải đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe của người dân.
Theo Bộ trưởng Y tế Jordan Saad Jaber, nước này đã ghi nhận thêm 8 ca nhiễm trong ngày 12/4, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 389 ca.
Tại Nam Phi, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận thêm 145 ca nhiễm trong ngày 12/4, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 2.173 ca.
Tại Ghana, Cơ quan y tế xác nhận số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 158 ca lên 566 ca, trong đó có 8 ca tử vong. Nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, nhà chức trách Ghana đã tăng cường các biện pháp nhằm phát hiện ca nhiễm mới thông qua việc theo dõi các trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 và tiến hành xét nghiệm. Cho đến nay, Ghana đã triển khai xét nghiệm cho 37.954 người.
Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akufo-Addo ngày 12/4 đã tuyên bố gia hạn lệnh cấm tụ tập trên cả nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.