Cũng theo CDC châu Phi, khu vực phía Nam châu lục là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh cả về số ca mắc và số ca tử vong, tiếp đó là khu vực phía Bắc châu Phi. Nam Phi hiện là nước có số ca mắc bệnh cao nhất với 775.502 ca cũng như ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất với 21.201 ca. Tiếp đó là Maroc với 336.506 ca mắc và 5.539 ca tử vong, Ai Cập với 114.107 ca mắc và 6.585 ca tử vong.
Dịch bệnh cũng tiếp tục lây lan tại một số khu vực khác trên thế giới. Tại Iran, Bộ Y tế công bố thêm 13.961 ca mắc mới ngày 26/11, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Trung Đông này lên 908.346 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tại Iran tăng thêm 482 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 46.689 ca. Tổng cộng 633.275 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh trong khi 5.849 người đang phải điều trị và chăm sóc đặc biệt.
Tại Nhật Bản, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Tokyo vẫn ở mức cao, với thêm 481 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua. Số người mắc bệnh nặng tăng lên 60 ca, tăng so với 6 ca một ngày trước đó và là mức cao nhất kể từ khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 5 năm nay. Tính trên cả nước, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 135.400 ca mắc, trong đó có 2.001 ca tử vong, chưa kể số ca trên du thuyền Diamond Princess.
Tại Trung Quốc, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong thông báo đã xác nhận thêm 81 ca mắc, trong đó 75 ca lây nhiễm trong cộng đồng với 13 ca chưa rõ nguồn lây nhiễm. Đến nay, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong công bố 5.947 ca mắc, 108 ca tử vong.
Tại Hà Lan, số liệu công bố cùng ngày 26/11 cho thấy số ca mắc bệnh tại nước này đã vượt 500.000 ca. Trong 24 giờ qua, quốc gia châu Âu này ghi nhận thêm 4.470 ca mắc, giảm nhẹ so với một ngày trước, theo đó nâng tổng số ca mắc lên 503.123 ca. Hà Lan là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất do làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại châu Âu.
Trong khi đó tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xuất hiện ở phố Downing, 11 ngày sau khi thực hiện cách ly do từng gặp một nghị sĩ mắc COVID-19.