Tại châu Á, Trung Quốc đã hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa các trường học và tăng cường xét nghiệm đại trà nhằm tăng cường kiểm soát một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới liên quan một nhóm khách du lịch.
Trung Quốc đã duy trì cách tiếp cận "Zero COVID" với các biện pháp đóng cửa biên giới nghiêm ngặt và phong tỏa phạm vi hẹp. Theo đó, Trung Quốc đã loại bỏ được phần lớn các đợt bùng phát dịch trong nước, song các ca mắc mới COVID-19 đã xuất hiện ngày thứ 5 liên tiếp ở nước này - chủ yếu ở các khu vực phía Bắc và Tây Bắc, nên nhà chức trách đã tăng cường các biện pháp nhằm sớm kiểm soát dịch.
Cụ thể, các chính quyền địa phương đã triển khai xét nghiệm hàng loạt, đóng cửa các danh lam thắng cảnh, các địa điểm du lịch, trường học và các địa điểm vui chơi giải trí tại các khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi nhỏ đối với các khu nhà dân. Trong danh sách một số vùng có Lan Châu ở miền Tây Bắc Trung Quốc với khoảng 4 triệu dân. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không rời khỏi địa phương nếu không có việc cấp thiết.
Còn Singapore ghi nhận thêm 18 ca tử vong do COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay và 3.862 ca nhiễm mới, thấp hơn chút ít so với mức cao kỷ lục 3.994 ca ghi nhận một ngày trước đó. Đáng chú ý, Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trong khu vực và thế giới, với hơn 80% dân số đã tiêm chủng.
Trước tình hình trên, giới chức Singapore cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải do số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng. Các ca nhiễm mới đã gia tăng trong thời gian gần đây tại Singapore sau khi chính phủ nước này nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore không thể kéo dài biện pháp đóng cửa và nước này cần chuyển từ chiến lược "Zero COVID" với các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới sang biện pháp tiến cận "sống chung an toàn với COVID-19".
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, ngày 20/10, Chính phủ Singapore thông báo kéo dài lệnh giãn cách xã hội tại nước này thêm 1 tháng để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và giảm áp lực đối với hệ thống y tế.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, giới chức thủ đô Tokyo thông báo sẽ dỡ bỏ các hạn chế về giờ mở cửa các quán rượu và nhà hàng trong bối cảnh số ca nhiễm mới trong thành phố giảm xuống mức thấp nhất trong năm 2021.
Cụ thể, từ ngày 25/10, các cơ sở kinh doanh hiện áp dụng các biện pháp phòng dịch sẽ được mở cửa đến khuya, sau khi các khu vực xung quanh thông báo các biện pháp tương tự. Đây là đợt nới lỏng các biện pháp phòng dịch mới nhất tại Nhật Bản, nơi số ca nhiễm mới giảm liên tục trong nhiều tuần mà các chuyên gia cho là nhờ tăng tốc độ tiêm vaccine.
Trên toàn quốc, số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm từ mức cao kỉ lục hơn 25.000 ca trong tháng 8 xuống dưới 400 ca mỗi ngày trong những ngày gần đây. Tokyo, thành phố với 14 triệu dân, ghi nhận trung bình 47 ca mới mỗi ngày trong tuần qua, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Còn Australia sẽ đón nhận trở lại sinh viên và người lao động nước ngoài trong vài tuần trước khi cho phép khách du lịch tới đây vào dịp Giáng sinh năm nay.
Theo Thủ tướng Australia Scott Morrison, chính phủ nước này sẽ đẩy nhanh kế hoạch cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Australia, với việc bang lớn nhất New South Wales (NSW) sẽ mở cửa cho công dân Australia, người có thị thực thường trú và gia đình từ ngày 1/11.
Australia sẽ bắt đầu mở cửa biên giới cho sinh viên và người lao động nước ngoài vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Nếu việc mở cửa này diễn ra suôn sẻ, Australia sẽ tiếp tục đón nhận khách du lịch quốc tế vào dịp Giáng sinh.
Cho đến nay, gần 86% người dân trưởng thành ở Australia đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên trong khi tỷ lệ tiêm đủ hai mũi là 71%.
Trong khi đó, một số quốc gia ở Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận thêm số ca nhiễm và tử vong do COVID-19, như Lào với 392 ca nhiễm và 2 ca tử vong; Campuchia 151 ca nhiễm và 11 ca tử vong; Indonesia với 633 ca nhiễm và 43 ca tử vong; Philippines với 4.806 ca nhiễm và 260 ca tử vong.
Tại châu Âu, Latvia đã trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu, rạp chiếu phim, tiệm cắt tóc và nhà hát phải đóng cửa trong một tháng.
Hiện Latvia là quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất thế giới, với tỷ lệ lây nhiễm trung bình ghi nhận trong 14 ngày gần nhất là 1.406 ca/100.000 dân (theo AFP) trong khi hiện mới chỉ có khoảng 50% dân số Latvia tiêm phòng đầy đủ, thấp thứ 4 tại EU, sau Bulgaria, Romania và Croatia.
Biện pháp phong tỏa có hiệu lực đến hết ngày 15/11, sẽ bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau; các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi. Hầu hết người lao động Latvia được yêu cầu làm việc từ xa, đồng thời các trường học cũng chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, chỉ có trẻ mẫu giáo và trẻ từ lớp 1 đến lớp 3 được học tại trường.
Tương tự, tại Nga, Thị trưởng thủ đô Moskva, ông Sergei Sobyanin, thông báo thành phố này sẽ áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa từ ngày 28/10 để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới tăng cao. Theo đó, tất cả các cửa hiệu, quán bar và nhà hàng đều sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ những địa điểm bán hàng hóa thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc.
Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép đóng cửa các cơ quan, công sở trên cả nước từ ngày 30/10-7/11 và cho phép các địa phương bổ sung các biện pháp khác tùy tình hình dịch bệnh.
Nga tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca nhiễm mới và số ca tử vong do COVID-19, với 36.339 ca nhiễm mới và 1.036 ca tử vong trong 24 giờ qua. Theo trang thống kê worldometers.info, đến nay Nga đã ghi nhận tổng cộng hơn 8,13 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 227.300 ca tử vong.
Giống như Nga, Ukraine cũng ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước tới nay với 22.415 ca nhiễm mới và 546 ca tử vong. Trước đó, nhà chức trách nước này đã nỗ lực tìm nguồn cung vaccine và thuyết phục người dân tiêm vaccine phòng bệnh nhưng tỷ lệ tiêm vẫn thấp. Tuy nhiên, kể từ khi Ukraine áp dụng các biện pháp hạn chế mới tại các vùng dịch bệnh phức tạp, theo đó người dân phải có chứng nhận tiêm phòng mới được đến những địa điểm công cộng như trường học và rạp chiếu phim, thì số người tiêm phòng đã tăng đáng kể.
Ngoài chứng nhận tiêm phòng, nhà chức trách Ukraine cũng yêu cầu người dân trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 khi đi lại trong nước, sử dụng xe buýt, tàu hỏa và máy bay.
Còn tại Pháp, Hạ viện nước này đã bỏ phiếu thông qua việc gia hạn việc áp dụng thẻ thông hành y tế cho tới ít nhất ngày 31/7/2022.Thẻ thông hành y tế được cấp dưới dạng một mã QR xác nhận đã tiêm vaccine đủ liều, xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc chứng nhận đã phục hồi sau khi mắc COVID-19. Những người có thẻ này được phép đến các địa điểm như quán bar, nhà hàng hoặc sân vận động.
Tại khu vực Trung Đông, Kuwait đã dỡ bỏ toàn bộ hạn chế đối với những người dân đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, theo đó, các hội nghị, đám cưới và các hoạt động xã hội khác được phép tổ chức, nhưng chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine tham dự. Nhà chức trách cũng yêu cầu người dân tiếp tục đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng.