Bỉ là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên đầu người cao nhất khi dịch bệnh COVID-19 ở giai đoạn đỉnh điểm trên toàn châu Âu, song nước này đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong tháng 5 năm nay.
Hiện số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trở lại. Quốc gia với 11 triệu dân đã hoãn kế hoạch nới lỏng thêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời áp đặt nhiều quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn tại thành phố cảng Antwerp.
Người phát ngôn lực lượng đặc trách ứng phó dịch bệnh liên bang, Frederique Jacobs thông báo virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh trên lãnh thổ Bỉ. Số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng. Trong tuần qua, có 13 thành phố ghi nhận trung bình hơn 100 người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên 100.000 dân, đồng nghĩa cứ 1.000 người lại có một người mắc COVID-19.
Người phát ngôn Jacobs cho biết thêm hầu hết số ca mới mắc COVID-19 là những người trẻ tuổi. Tuy vậy, số ca phải điều trị tại các khu chăm sóc đặc biệt đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 7.
Trung bình khoảng 2,7 người tử vong do COVID-19 mỗi ngày tại Bỉ trong tuần cuối cùng của tháng 7 vừa qua, tăng khoảng 1/3 so với mức chỉ 2 người ghi nhận một tuần trước đó. Ít nhất 9.845 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong kể từ khi đại dịch này bùng phát tại Bỉ.
Tỷ lệ ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này cũng đã tăng 68% trong vòng 2 tuần nói trên, trong khi số ca phải nhập viện mỗi ngày tăng hơn 1/3. Hiện có tổng cộng 69.849 ca mắc COVID-19 được phát hiện tại Bỉ, song đa số đã bình phục.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Geneva, bang Valais và bang Vaud tại Thụy Sĩ đã phản đối quyết định của Bỉ về việc đưa thêm hai địa phương này vào danh sách các khu vực châu Âu chưa cho phép du khách tới tham quan vì dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Trước đó, Bỉ đã đưa bang Geneva của Thụy Sĩ vào danh sách này và những người trở về Bỉ từ 3 bang Thụy Sĩ quanh Hồ Geneva đều phải được cách ly và xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Quan chức phụ trách kinh tế bang Vaud Philippe Leuba đã lên tiếng phản đối quyết định trên, cho rằng bước đi này của Bỉ đang làm ảnh hưởng tới lĩnh vực du lịch và hình ảnh của các bang miền Tây Thụy Sĩ, trong đó có bang Vaud và Valais đang kiểm soát tương đối tối dịch COVID-19. Quan chức này cũng yêu cầu chính phủ liên bang đàm phán với phía Bỉ về vấn đề trên.
Trong 14 ngày qua, tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở bang Vaud và Valais lần lượt là 23/100.000 và 10/100.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Bỉ là 44/100.000. Do đó, tỷ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân ở bang Vaud chỉ gần bằng một nửa ở Bỉ.
Tuy nhiên, tình hình ở bang Geneva đáng báo động hơn nhiều khi cuối tuần qua chính quyền tại đây đã ra lệnh đóng cửa các câu lạc bộ giải trí ban đêm tới ngày 23/8 do các trường hợp nhiễm mới tăng đột biến. Bang Geneva hiện chiếm khoảng 1/3 các ca mắc COVID-19 mới ở Thụy Sĩ.
Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang (FOPH) Thụy Sĩ đã phát động chiến dịch tái tuyên truyền các quy định phòng chống virus SARS-CoV-2 khi các ca nhiễm mới hằng ngày tăng lên quanh ngưỡng 200.
* Cũng trong ngày 3/8, trước những quan ngại về việc số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 gần đây đang gia tăng, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã hối thúc giới chức và người dân nước này không được chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, từ đó góp phần tránh được khả năng phải áp đặt một lệnh phong tỏa mới trên toàn quốc.
Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm thành phố Lille, miền Đông Bắc nước Pháp, Thủ tướng Castex nhấn mạnh: "Chúng ta cần tự bảo vệ mình tránh khỏi dịch bệnh mà không gây bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nền kinh tế và đời sống xã hội. Nói cách khác là tránh kịch bản về một lệnh phong tỏa mới trên toàn quốc".
Trước thực trạng số ca mắc COVID-19 đang gia tăng, Thủ tướng Pháp kêu gọi mỗi người dân nước này cần hết sức cảnh giác, đồng thời nhấn mạnh cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 phụ thuộc vào tất cả mọi nguồn lực từ các cơ quan nhà nước cho tới các cộng đồng địa phương, từ các tổ chức cho tới từng cá nhân.
Theo thống kê, Pháp đã ghi nhận hơn 30.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này và hàng nghìn ca mới mắc bệnh chỉ riêng trong tuần qua. Trước tình hình đó, một số vùng thậm chí đã phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh.