Tăng kỷ lục 2 năm
Các chuyên gia và quan chức y tế tin rằng tình trạng lây nhiễm nhiều hơn là do biến thể Omicron gây ra nhiều khó khăn cho giới chức Trung Quốc trong duy trì chiến lược "không COVID".
Giới chuyên môn cho rằng Trung Quốc đã bước vào giai đoạn kiểm soát COVID-19 mới, do vậy cần có các biện pháp phòng chống virus cụ thể hơn để đạt được cân bằng giữa kiểm soát lây nhiễm và duy trì cuộc sống bình thường.
Các chuyên gia cũng lưu ý sẽ điều chỉnh chính sách “không COVID” trong tương lai khi đạt được một số điều kiện như hàng rào miễn dịch mạnh hơn, sẵn có thuốc điều trị hiệu quả cũng như tỷ lệ lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc ổn định.
Ông Lu Hongzhou - người đứng đầu nhóm chuyên gia chống dịch của Thâm Quyến và là Giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 3 của thành phố này - cho biết tình trạng lây nhiễm tràn lan ở đặc khu Hong Kong là một phần nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh ở Quảng Châu, do có nhiều tài xế xe tải đi lại giữa hai địa phương.
Thâm Quyến, một thành phố ở Quảng Đông tiếp giáp với Hong Kong, vừa đưa ra các quy định mới cho những người đến từ Hong Kong, trong đó yêu cầu họ phải xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic do 33 viện được chỉ định cấp và phải là lấy mẫu dịch tỵ hầu, hoặc kết hợp cả dịch họng và dịch tỵ hầu, thay vì chỉ cần lấy mẫu dịch họng như vốn phổ biến ở Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, các quan chức địa phương chưa thể tìm ra nguồn gốc gây bùng phát dịch tại Cát Lâm và Thanh Đảo. Tại cuộc họp báo ngày 7/3, ông Jiang Fachun, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thanh Đảo, nói rằng hầu hết các trường hợp mới ở Thanh Đảo là những người nhiễm không triệu chứng. Thanh Đảo đã cách ly tập trung 8.077 người tính đến sáng 7/3. Thành phố Cát Lâm cũng thông báo tạm dừng làm việc và sản xuất, đồng thời yêu cầu các trường học đóng cửa để chống dịch.
Nổi tiếng có khả năng truy vết ca mắc nhanh chóng, Thượng Hải cũng đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới nhất. Wu Jinglei, Giám đốc Ủy ban Y tế Thượng Hải cho biết trong cuộc họp báo ngày 7/3 rằng thành phố đã xét nghiệm diện rộng cho hơn 150.000 người trong đợt bùng phát này.
Một số tòa nhà văn phòng và khu dân cư ở Thượng Hải đang bị phong tỏa. "Công ty của tôi đã giảm một nửa số lượng nhân viên đi làm hàng ngày", một nhân viên ở Thượng Hải nói với Global Times.
Cuộc thảo luận mới
Sau khi tình trạng lây nhiễm lan rộng hơn trên toàn quốc, chính sách “không COVID” của Trung Quốc đã được thảo luận thêm. Tính đến nay, chính quyền Bắc Kinh đã thông qua chiến lược diệt trừ tận gốc virus SARS-CoV-2 hơn hai năm qua và xem đây là biện pháp tối ưu để khống chế đại dịch.
Trong phiên họp Quốc hội khai mạc ngày 4/3, chính sách này đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của các quan chức và đại biểu. Tờ Global Times dẫn lời người phát ngôn Guo Weimin của kỳ họp phát biểu rằng chính sách “không COVID” hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của quốc gia, đồng thời đem đến lợi ích cho cả thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lại cùng lên tiếng nhất trí rằng nguy cơ kép của các ca bệnh từ nước ngoài và trong cộng đồng đã đẩy việc kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc lên một giai đoạn mới.
Với thực tế là biến thể Omicron lây lan nhanh và âm thầm hơn so với các biến thể trước đây, ông Lu Hongzhou - người đứng đầu nhóm chuyên gia chống dịch của Thâm Quyến - đề xuất Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa trong giám sát người nhiễm bệnh bằng các phương pháp hiện đại. Điều này không chỉ giúp cơ quan chức năng đối phó với biến thể Omicron mà còn giảm tác động tiêu cực lên đời sống xã hội.
Các chuyên gia tin rằng việc điều chỉnh chính sách COVID-19 không thể hiểu đơn giản là Trung Quốc từ bỏ chiến lược “Không COVID”. Quan chức CDC cho biết: “Chính sách sẽ được điều chỉnh trong tương lai và điểm mấu chốt là tìm đúng thời điểm khi các điều kiện đã chín muồi”.
Theo mô hình dự báo do nhóm nghiên cứu tại Đại học Lan Châu thực hiện, nếu Trung Quốc nới lỏng các chính sách hạn chế, một đợt bùng phát xảy ra ở nước này sẽ dẫn đến hơn 10 triệu ca lây nhiễm. Nhóm nghiên cứu giải thích rằng ở giai đoạn hiện tại, chiến lược “không COVID” của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự bùng phát trở lại ở trong nước và các ca mắc từ nước ngoài vẫn là phương án tốt nhất để đối phó với đại dịch.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Zhang Wenhong cho biết ông đã thảo luận về những biện pháp khả thi để điều chỉnh chiến lược hiện tại với các chuyên gia trên khắp đất nước. Ông lưu ý rằng bất kể Trung Quốc áp dụng loại chiến lược nào để chống lại SARS-CoV-2, điểm quan trọng là cần ngăn chặn tái bùng phát quy mô lớn và duy trì các nguồn lực y tế.
Ông cho biết giai đoạn tiếp theo trong phòng chống COVID-19 nên tập trung vào việc đạt được kết quả tốt nhất với chi phí tối thiểu.