Mạng lưới đường sắt đô thị ở Trung Quốc bùng nổ với quy mô chưa từng thấy

Mạng lưới đường sắt đô thị của Trung Quốc đã mở rộng với tốc độ chưa từng thấy, với 62 tuyến hoàn toàn mới được xây dựng ở 35 thành phố trong năm ngoái.

Chú thích ảnh
Ảnh: Tân Hoa xã

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, với các dự án mới, tổng chiều dài của các tuyến đường sắt đô thị ở Trung Quốc tăng hơn 15% lên 9.192 km, chiếm khoảng 1/4 tổng chiều dài của mạng lưới đường sắt thế giới.

Ban đầu, Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng 10.000 km đường sắt đô thị vào năm 2025. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nước này có thể đạt được mục tiêu đó vào cuối tháng 12/2022, sớm hơn 3 năm so với kế hoạch. Trong một bài báo đăng trên tạp chí Urban Rapid Rail Transit, bà Hou Xiufang, kỹ sư cấp cao của Hiệp hội Đường sắt đô thị Trung Quốc và các đồng nghiệp cho biết quốc gia này đang bắt kịp những tiến bộ để trở thành “siêu cường đô thị” trên thế giới.

Tuy nhiên, trong khi hệ thống giao thông đô thị đang ngày càng được mở rộng, thì mạng lưới đường sắt đô thị đã phải hứng chịu nhiều hậu quả do đại dịch gây ra. Theo số liệu chính thức, trong năm 2020, số lượng hành khách đi tàu điện ngầm, xe điện, đường sắt nội đô và các hình thức vận chuyển đô thị khác đã giảm 64% ở Mỹ và 77% ở Anh do các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội. Lưu lượng hành khách ở Trung Quốc cũng giảm hơn 26% trong cùng kỳ.

Đại dịch đã buộc chính phủ trung ương tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng để kích thích nền kinh tế. Hệ thống giao thông đô thị là một trong 7 lĩnh vực quan trọng của chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng sau đại dịch của Trung Quốc. Kỹ sư Huo cho biết một số trung tâm lịch sử của nước này - như thành phố Lạc Dương, Gia Hưng và Thiệu Hưng - đã khai trương các tuyến đường sắt đô thị đầu tiên vào năm ngoái. Hầu hết các tuyến đường này đều là tàu điện ngầm và việc xây dựng chúng rất phức tạp. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, các dự án này cũng gây tranh cãi kịch liệt bởi chúng ảnh hưởng đến các di tích lịch sử hàng nghìn năm đã bị chôn vùi dưới mặt đất.

Chú thích ảnh
Ảnh: SCMP

Tính đến nay, 50 thành phố trên khắp đất nước đã xây dựng ít nhất 1 tuyến đường sắt đô thị, hầu hết tập trung ở phía đông, khu vực phát triển thịnh vượng hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc có tới gần 300 thành phố, nhiều nơi có dân số rất đông đúc. Theo kế hoạch dài hạn của Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ có 30.000 km đường giao thông đô thị vào năm 2035.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Han Baoming tại khoa Giao thông vận tải thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh, tổng chiều dài của cơ sở hạ tầng đô thị đã tăng 6,7% lên 36.854 km trên toàn cầu vào năm ngoái. Ông Han và các đồng nghiệp cho biết các hệ thống đường sắt này đã vận chuyển gần 40 tỉ lượt hành khách mỗi năm và Trung Quốc chiếm khoảng một nửa trong số đó.

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Han ước tính rằng hệ thống đường sắt đô thị của Trung Quốc sẽ đạt chiều dài 13.000 km vào năm 2025, dài hơn gần 1/3 so với kế hoạch ban đầu. Các nhà nghiên cứu cho biết khoảng 80% các tuyến đường này sẽ là tàu điện ngầm.  Ngoài ra, một số hệ thống sẽ hoạt động tự động bằng trí tuệ nhân tạo và nhiều công nghệ hiện đại khác giúp tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả.

Theo phân tích gần đây của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, sự phát triển của hệ thống đường sắt đô thị ở Trung Quốc mang một đặc điểm nổi bật. Trong khi ở hầu hết quốc gia khác, các dự án đường sắt đô thị chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu sử dụng, chiều dài và lượng tuyến theo dân số, thu nhập trung bình và hệ thống giao thông. Hầu hết các tuyến đường sắt đô thị ở Trung Quốc đều được xây dựng trước nhu cầu. Hơn nữa, hệ thống giao thông này thường có lưu lượng hành khách khá ít trong những năm đầu hoạt động.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tự cường - ưu tiên kinh tế hàng đầu của Trung Quốc ở giai đoạn mới
Tự cường - ưu tiên kinh tế hàng đầu của Trung Quốc ở giai đoạn mới

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này hướng ưu tiên vào việc bảo đảm chuỗi công nghiệp và những bước tiến về công nghệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN