Bệnh nhân thứ nhất là cụ bà 75 tuổi, người Singapore. Ngày 23/2, bà này được đưa vào Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NCID) vì bệnh viêm phổi và đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2. Bà đã được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực (ICU) kể từ khi được đưa vào NCID. Sau đó, bệnh nhân này đã có những biến chứng nghiêm trọng và tử vong sau 26 ngày điều trị tại ICU. Bà có tiền sử bệnh tim và huyết áp cao.
Bệnh nhân thứ hai là nam giới 64 tuổi người Indonesia. Ông này được đưa vào điều trị tích cực tại ICU thuộc NCID ngày 13/3 sau khi từ Indonesia đến Singapore trong cùng ngày và được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 vào ngày 14/3. Bệnh nhân cũng đã có những biến chứng nghiêm trọng và tử vong sau 9 ngày điều trị tại đây. Trước khi đến Singapore, ông này đã nằm viện tại Indonesia để điều trị bệnh viêm phổi và có tiền sử bệnh tim.
Bộ Y tế Singapore và NCID đã liên hệ với gia đình các bệnh nhân này và có những sự giúp đỡ cần thiết. Bộ trưởng Gan Kim Yong cũng kêu gọi người dân bình tĩnh và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch mà chính phủ đã đưa ra.
* Bộ Nội vụ Thái Lan đã ra lệnh cho các tỉnh trưởng của tất cả các tỉnh biên giới tạm thời đóng cửa biên giới từ ngày 22/3 để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thư ký thường trực Bộ Nội vụ Chatchai Promlert đã gửi thư khẩn yêu cầu thực hiện biện pháp nói trên, nhưng cũng lưu ý rằng mỗi tỉnh sẽ được phép duy trì mở cửa thường xuyên một cửa khẩu nếu cần thiết phải sử dụng các điểm qua lại biên giới. Riêng tỉnh Chiang Rai có biên giới với cả Myanmar và Lào sẽ được phép tiếp tục mở hai cửa khẩu (mỗi nước một cửa khẩu), nhưng các biện pháp nghiêm ngặt phải được thực thi để sàng lọc người qua lại biên giới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Saksayam Chidchob cho biết Cục Hàng hải cũng đã ra lệnh mới, trong đó yêu cầu hành khách và thủy thủ đoàn nhập cảnh Thái Lan phải được tách riêng và cách ly theo yêu cầu của các quan chức kiểm soát dịch bệnh. Chủ tàu hoặc người điều hành phải đảm bảo hành khách và thủy thủ đoàn có chứng nhận y tế được cấp trong vòng 3 ngày và bảo hiểm COVID-19 với hạn mức điều trị 100.000 USD. Đối với hành khách và thủy thủ đoàn người Thái Lan muốn về nước, họ cũng phải trình chứng nhận y tế đảm bảo sức khỏe đi lại và chứng nhận đi lại do Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan đại diện của Thái Lan ở nước ngoài cấp.
Trước đó, Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan cũng đưa ra những yêu cầu tương tự.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Bangkok Post ngày 21/3 cho biết khoảng 200 lao động Việt Nam bị mắc kẹt tại một cửa khẩu tỉnh Nakhon Phanom (Na-khon Pha-nom) ở Đông Bắc Thái Lan đã được phép tiếp tục hành trình về nước qua Lào. Những lao động này đi xe buýt qua Cầu Hữu nghị Thái Lan-Lào số 3 để tới Lào và từ đó tiếp tục đi về Việt Nam.
Nhà chức trách Lào đã ngừng cho người nước ngoài nhập cảnh từ 20/3 tới 20/4, do đó các lao động này bị kẹt lại tại các bến xe buýt ở tỉnh Nakhon Phanom.
Tuy nhiên, sau các cuộc thương lượng giữa các quan chức nhập cư Thái Lan và Lào, các lao động Việt Nam đã được phép tiếp tục hành trình.
Sau khi Chính phủ Thái Lan ra lệnh đóng cửa các địa điểm giải trí trong 14 ngày, những lao động nói trên đã quyết định trở về nhà vì hầu hết trong số họ làm việc tại đây.