Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết chương trình cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, được bắt đầu áp dụng từ tháng Bảy, sẽ được kéo dài “thêm ba tháng nữa đến hết tháng 12/2023”. Cũng theo Bộ này, hàng tháng, Saudi Arabia sẽ tiến hành đánh giá việc cắt giảm sản lượng để cân nhắc có cần cắt giảm sâu hơn hay gia tăng sản lượng hay không.
Tương tự, trong một thông báo, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga cũng sẽ gia hạn kế hoach cắt giảm 300.000 thùng/ngày trong lượng dầu xuất khẩu của nước này đến hết năm nay.
Sau những thông tin nói trên, giá dầu Brent Biển Bắc đã lần đầu tiên đóng phiên trên ngưỡng 90 USD/thùng kể từ tháng 11 năm ngoái trong phiên 5/9, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ cũng chạm mức cao nhất trong 10 tháng qua.
Trong tháng Bảy, tức tháng đầu tiên chương trình cắt giảm sản lượng của riêng Saudi Arabia có hiệu lực, giá dầu đã tăng vượt mức 80 USD/thùng mà nhiều chuyên gia phân tích cho là cần thiết với nước này để có thể cân bằng ngân sách.
Tuy nhiên, ông Justin Alexander, Giám đốc công ty tư vấn Khalij Economics, nhận định nỗ lực cắt giảm sản lượng này cũng khiến Saudi Arabia “trả giá” phần nào, khi nguồn cung dầu của nước này giảm 10%, bên cạnh các mức giảm 10% trước đó từ các cuộc họp tháng Tư và tháng Mười của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Nhưng Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco Amin Nasser cho biết bất chấp các mức cắt giảm sản lượng gần đây, tập đoàn vẫn có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tháng Tám vừa qua, Saudi Aramco báo lãi 30,08 tỷ USD trong quý II năm nay, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm giá dầu tăng mạnh sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (U-crai-na). Saudi Aramco cho biết sự sụt giảm lợi nhuận này chủ yếu phản án tác động của việc giá dầu giảm và tỷ suất lợi nhuận của mảng lọc dầu và hóa chất cũng đi xuống.
Ông Nasser cho biết Saudi Aramco vẫn giữ nguyên dự báo trong trung và dài hạn rằng nhu cầu toàn cầu sẽ tăng lên nhờ sự phục hồi kinh tế nói chung.