Saudi Arabia tái khẳng định cam kết hợp tác với Trung Quốc bất chấp sức ép từ Mỹ

Saudi Arabia hồi tuần trước tái khẳng định cam kết về “một đối tác và một nhà cung cấp dầu thô đáng tin cậy nhất” đối với Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Tàu chở dầu cập cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Với cam kết này, Thái tử kế vị Mohammed bin Salman dường như nhìn nhận Mỹ là đối tác chỉ với góc độ an ninh, đồng thời xem Trung Quốc và Nga lần lượt là đối tác kinh tế và năng lượng then chốt nhất. Mỹ bất ngờ trước quyết định chuyển đổi này của Saudi Arabia, theo hướng dần tách biệt với Washington và xích lại gần Bắc Kinh, một động thái gần như đặt dấu chấm hết đối với thỏa thuận cốt lõi ký kết năm 1945 giữa Mỹ và Saudi Arabia. 

Dịch chuyển này thể hiện rõ nhất qua việc ông Mohammed bin Salman từ chối nhận cuộc điện thoại từ Tổng thống Mỹ Joe Biden mà ở đó ông chủ Nhà Trắng dự định sẽ yêu cầu Riyadh ra tay can thiệp giúp làm giảm nhiệt đà tăng của giá năng lượng. Kế đến là việc Saudi Arabia đồng thuận về kế hoạch cắt giảm sản lượng tập thể của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). 

Mỹ phản ứng giận giữ, thông qua bình luận của ông Biden và nhiều quan chức cấp cao tại thời điểm OPEC đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng. “Họ sẽ phải chịu hậu quả về những gì họ đã làm… Tôi không đề cập chi tiết những gì đang dự định, nhưng sẽ có hệ quả”, Tổng thống Biden phát biểu.

Trước đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng bày tỏ nghi ngờ về tương lai quan hệ Mỹ-Saudi Arabia, nhấn mạnh Washington sẽ phải rà soát lại hợp tác với Riyadh sau những gì mà OPEC với Saudi Arabia làm đầu tàu đã làm trong thời gian qua. 

Bất chấp những cảnh báo này, Saudi Arabia hồi tuần trước khẳng định Trung Quốc là “đối tác chọn lựa” trên thị trường dầu mỏ và hai bên sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ, tăng cường hợp tác để xử lý các thách thức và nguy cơ đang nổi. Riêng về cung ứng năng lượng, số liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu của nước này từ Saudi Arabia đạt mức 1,76 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 1-8/2022, đẩy Trung Quốc chiếm 17,7 % tổng xuất khẩu dầu của Saudi Arabia.

Trong buổi tham vấn theo hình thức điện đàm trực tuyến giữa Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman và Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng Quốc gia Trung Quốc Zhang Jianhua hôm 21/10, hai bên cũng cam kết tiếp tục thảo luận về các dự án xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu hỗn hợp cũng như sử dụng năng lượng hạt nhân.

Vòng đàm phán mới nhất này diễn ra chỉ ít lâu sau khi tập đoàn Aramco ký Bản ghi nhớ (MoU) với Tổng công ty hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) về hàng loạt những lĩnh vực hợp tác gắn với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng và kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia. 

Xét tới bước chuyển dịch của Saudi Arabia theo hướng tách khỏi Mỹ và xích lại gần Trung Quốc, có lý do để tin rằng Riyadh sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu sức mạnh và vị thế của đồng USD trên các thị trường năng lượng.

Không chỉ là bên đi đầu thúc đẩy ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa Trung Quốc và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Saudi Arabia còn cổ súy mạnh mẽ xu hướng từ bỏ thế bá chủ của đồng bạc xanh trong định giá khí đốt và dầu mỏ toàn cầu. 

Giới chức Saudi Arabia nhìn nhận Trung Quốc là thị trường hàng đầu để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cũng như tiếp cận các thị trường kỹ thuật khác. Những thông tin mới nhất cho thấy tiến trình thảo luận dài hơi giữa hai bên về việc định giá và thanh toán một phần giao dịch mua bán dầu thô bằng đồng nhân dân tệ thay cho đồng USD đang được đẩy nhanh trong vài tháng gần đây. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Oilprice)
Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu 573.000 thùng/ngày từ tháng 11
Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu 573.000 thùng/ngày từ tháng 11

Báo Saudi Gazette ngày 31/10 đưa tin căn cứ theo quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+), Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng dầu 573.000 thùng/ngày kể từ tháng 11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN