Con số đại cử tri Mỹ đòi tham vấn tình báo vấn đề Nga can dự bầu cử Mỹ để đưa ông Trump (ảnh) vào Nhà Trắng đang tăng vọt. Ảnh: AP |
Theo Politico, thêm 19 đại cử tri đảng Dân chủ ghi tên vào danh sách đại cử tri Mỹ kêu gọi tham vấn tình báo chưa từng có tiền lệ trước ngày bỏ phiếu bầu ra tổng thống Mỹ tiếp theo.
Trong bức thư gửi Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, các đại cử tri cho rằng dù
ông Trump đã bác bỏ sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử, nhưng mối liên hệ giữa những cố vấn của ông Trump với Nga làm dấy lên nhiều quan ngại và các đại cử tri nhận thấy cần phải được tham vấn tình báo trước khi bỏ phiếu chọn ra ông chủ Nhà Trắng.
Trước đó, một nhóm 10 đại cử tri Mỹ đã yêu cầu tham vấn tình báo về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng trước trong bối cảnh báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khẳng định Nga có can dự vào bầu cử Mỹ để đưa ông Trump vào Nhà Trắng.
Đến thời điểm hiện nay chỉ có 1 đại cử tri đảng Cộng hòa ở bang Texas ông ChrisSuprun tham gia lời kêu gọi này. 19 đại cử tri mới thêm tên vào danh sách này bao gồm 3 đại cử tri bang California, 2 ở Colorado, 3 ở Massachusetts, 2 ở Maryland, 4 ở New York, 1 ở Oregon, 2 ở Washington và 2 ở Virginia.
Trước đó vào ngày 10/12, tờ Washington Post dẫn lời các quan chức thạo tin cho biết những cá nhân có quan hệ với Moskva đã cung cấp cho trang WikiLeaks các thư điện tử được đánh cắp từ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và người đứng đầu chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton cũng như nhiều người khác.
Báo này dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ thạo tin buổi trình bày thông tin tình báo trước các Thượng nghị sĩ chủ chốt hồi tuần trước cho hay: "Cộng đồng tình báo đánh giá rằng mục tiêu của Nga là ủng hộ một ứng cử viên, giúp Trump thắng cử. Đây là quan điểm chung của chúng tôi".
Sau đó 2 ngày, ông Trump viết trên Twitter rằng: "Bạn có thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như kết quả bầu cử hoàn toàn trái ngược với thực tế và chúng tôi cũng chơi quân bài Nga/CIA. Điều này gọi là thuyết âm mưu".
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng lên tiếng nghi ngờ vì sao những cuộc tấn công mạng từ phía Nga không được công bố rộng rãi trước thời gian diễn ra bầu cử. "Nếu như bạn không bắt được những kẻ tin tặc ngay tại trận, thì rất khó để xác định ai mới là người thực hiện vụ tấn công. Tại sao không mang những lời cáo buộc này ra trước khi ngày bầu cử được tổ chức".
Cùng ngày, Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ báo cáo mật của CIA, trong đó cáo buộc
Nga đã cố gắng tác động vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng trước. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh báo cáo trên không dựa trên các thông tin xác thực và đáng tin cậy. Ông nêu rõ: "Điều này giống như các cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ, không chuyên nghiệp, nghiệp dư, và không liên quan với thực tế".