Tàu chở hàng Golden Ray của Hàn Quốc đã bị đắm sau khi rời cảng Brunswick (bang Georgia, Mỹ) vào ngày 8/9/2019. Toàn bộ thủy thủ đoàn 23 người đã được cứu sống nhưng con tàu thì bị đắm, kéo theo cả 4.200 chiếc ô tô trong khoang chứa.
Để trục vớt Golden Ray, lực lượng chức năng đã phải cưa con tàu đắm khổng lồ này thành 8 khối.
Khoảng 3/4 số mảnh vỡ của con tàu này đã được trục vớt kể từ công tác này triển khai từ tháng 11/2020. Tính đến ngày 8/9 vừa qua, chỉ còn hai khoang chứa lớn cuối cùng trong số kể trên chưa được trục vớt. Vị trí của chúng nằm tại khu vực biển ngoài khơi đảo St. Simons, cách Savannah khoảng 112 km về phía Nam.
Các công nhân đã sử dụng một cần cẩu cơ khí để kéo những chiếc ô tô ra khỏi khoang chứa, qua đó giúp giảm bớt trọng lượng của phần thân tàu trước khi chất chúng lên sà lan. Những khối này sau đó tiếp tục được chia nhỏ hơn nữa tại một bến tàu địa phương, trước khi chúng được đưa tới một bãi phế liệu ở bang Louisiana.
Trong khi đó, các công tác khác như trục vớt các ô tô, các mảnh vỡ từ tàu Golden Ray, cũng như gỡ bỏ hàng rào lưới khổng lồ - vốn được lắp đặt xung quanh địa điểm đắm tàu để ngăn các mảnh vỡ này trôi ra xa - cũng đang được khẩn trương tiến hành. Những nỗ lực dọn dẹp tại khu vực xác tàu dự kiến sẽ mất một hoặc hai tháng nữa.
Ông Fletcher Sams - Giám đốc điều hành của nhóm hoạt động vì môi trường Altamaha Riverkeeper - cho biết: "Những phần rủi ro nhất, nguy cơ ô nhiễm mới, sắp được hoàn tất giải quyết. Khi họ có thể nâng nốt hai phần cuối cùng này và đưa chúng lên sà lan thì chúng tôi có thể thở phào nhẹ nhõm".
Theo ông Sams, nhiều vụ rò rỉ khác nhau từ tàu Golden Ray đã khiến khoảng 50 km bờ biển bị ô nhiễm dầu. Cuối tháng 7 vừa qua, dầu tiếp tục phun ra từ một vết nứt mới của con tàu đắm này và trôi xa khoảng 4 km. Hiện Bộ chỉ huy đa ngành giám sát việc trục vớt tàu Golden Ray đang tiến hành đánh giá để chính thức xác định mức độ thiệt hại mà sự cố này gây ra cho hệ sinh thái.