Nguyên nhân là do kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine đáp ứng tạo miễn dịch thấp ở người cao tuổi.
Theo tuyên bố của Sanofi và GSK, các kết quả sơ bộ cho thấy các tình nguyện viên ở độ tuổi 18 - 49 tuổi được thử nghiệm vaccine này cho đáp ứng miễn dịch tương đương với những bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục. Tuy nhiên, những tình nguyện viên lớn tuổi hơn lại có đáp ứng miễn dịch thấp do nồng độ kháng nguyên không đủ. Do đó, hai công ty đã quyết định lùi kế hoạch tung vaccine ra thị trường từ giữa năm sau sang quý IV/2021 nhằm "cải thiện đáp ứng miễn dịch ở những người cao tuổi".
Theo dự kiến ban đầu, Sanofi và GSK sẽ tiến hành nghiên cứu giai đoạn 3 đối với vaccine trên trong tháng này. Tuy nhiên, trong kế hoạch điều chỉnh, hai hãng sẽ tiến hành một nghiên cứu giai đoạn 2b vào tháng 2/2021 với hy vọng trước cuối năm sau sẽ điều chế được một loại vaccine hiệu quả hơn. Nếu kết quả khả quan, công tác nghiên cứu giai đoạn 3 trên toàn cầu có thể được khởi động trong quý II năm sau. Theo hai hãng dược này, một nghiên cứu gần đây ở động vật linh trưởng không phải con người đã cho thấy vaccine do Sanofi và GSK phát triển với công thức kháng nguyên được nâng cấp có thể chống lại các bệnh về phổi, cũng như đẩy nhanh việc thanh thải virus ra khỏi khoang mũi và phổi trong vòng 2 tới 4 ngày. Những kết quả này mang lại niềm tin cho hai hãng dược trong việc ứng dụng công nghệ tái tổ hợp có tá dược bổ trợ để điều chế một loại vaccine hiệu quả cao cho người trưởng thành.
Trao đổi với báo giới, ông Thomas Triomphe, Phó Chủ tịch điều hành Sanofi kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu vaccine Sanofi Pasteur, nêu rõ: "Chúng tôi rất quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, đó là lý do tại sao chúng tôi lấy làm thất vọng về sự chậm trễ này, song mọi quyết định của chúng tôi đang và sẽ luôn dựa trên khoa học và dữ liệu". Ông khẳng định Sanofi và GSK đã xác định đường hướng phía trước và luôn tin tưởng, cũng như cam kết mang lại một loại vaccine phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả. Chuyên gia này đồng thời nhấn mạnh thế giới cần nhiều hơn một loại vaccine để chống lại đại dịch COVID-19.
Về phần mình, ông Roger Connor, Chủ tịch của GSK Vaccine cho biết thêm mặc dù các kết quả nghiên cứu không như kỳ vọng, song dựa trên những kinh nghiệm và hợp tác trước đó, họ tin rằng tá dược của GSK khi kết hợp với kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 có thể tạo đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ.
Tuyên bố mới nhất của Sanofi và GSK được đánh giá là bước lùi lớn trong nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19. Vaccine do hai hãng này hợp tác phát triển dựa trên công nghệ mà Sanofi đã sử dụng để sản xuất vaccine cúm mùa. Cho tới nay, dư luận đang đặt kỳ vọng vào vaccine do hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, vốn đã chứng minh có hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 lên tới 90%. Hiện các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine này với sự tham gia của hơn 40.000 tình nguyện viên đang được triển khai.