Một buổi sáng ấm áp tại Bogota, hàng chục người đàn ông đứng bên cạnh chiếc xe tải, lóng ngóng thay tã cho búp bê. Hầu hết họ ở độ tuổi trung niên. Cảnh tượng hiếm có này khiến một vài người đi đường dừng lại và chụp ảnh.
Omar Jimenez, giáo viên kiêm nhà tâm lý học đang tham gia khoá đào tạo, nhận xét kết quả thực hành của một học viên: “Lần đầu tiên cũng không tệ lắm. Nhưng anh cần quấn tã chặt hơn, nếu không chất thải của em bé sẽ tràn ra ngoài”. Học viên Sergio Rivera gật đầu đồng ý.
Buổi học kéo dài 30 phút trên nằm trong chương trình Escuela de Hombres al (tạm dịch “trường dạy nam giới chăm sóc”). Trong thời gian học, học viên nam sẽ được dạy những kiến thức cơ bản về chăm sóc người khác như thay tã cho em bé, tết tóc cho người yêu…
Kể từ năm 2021, dự án tiến bộ do chính quyền thành phố Bogota quản lý và vận hành đã dạy những nam giới ở thủ đô của Colombia cách trở thành một người chồng, người cha, người anh, người con tốt hơn trong xã hội.
Một phần trong chiến lược của Escuela de Hombres al là cung cấp nhiều hình thức lớp học khác nhau và quan trọng là hướng đến những khu vực có nhiều nam giới, như sân bóng, cửa hàng sửa chữa ô tô, bến xe buýt, nhà tù.
Tại một lớp học tâm lý ở quận Usme phía Nam Bogota, hai chục người đàn ông, trong đó phần lớn là lái xe buýt, tham gia ba buổi học đối thoại, gồm các chủ đề liên quan đến ghen tuông, mất mát và tức giận. Những buổi chia sẻ bản thân này giúp các học viên vượt qua những nỗi mất mát ám ảnh thời thơ ấu, bình tĩnh xử lý mọi việc và kiểm soát cơn tức giận. Vào cuối buổi, các học viên cùng nhau đọc to một bài thơ.
Theo nhà tâm lý học Jimenez, phương pháp trò chuyện, trị liệu là cần thiết và hiệu quả. “Đàn ông biết cách quan tâm, chỉ là theo cách khác mà thôi. Sự chăm sóc của họ mang tính kiểm soát, kỷ luật và chiếm hữu nhiều hơn. Tốt hơn hết chúng ta nên lắng nghe và nói chuyện với họ để giúp xử lý những cảm xúc này. Chỉ khi đó họ mới thực sự thay đổi”.
Chính quyền thành phố tin rằng sáng kiến Escuela de Hombres al sẽ phần nào giải quyết tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào xã hội Colombia, đồng thời khuyến khích nam giới tham gia bình đẳng vào việc chăm sóc con cái và làm việc nhà.
Một cuộc khảo sát với hơn 7.000 người ở Colombia do Liên minh châu Âu thực hiện vào năm 2019 cho thấy, 70% số người được hỏi thừa nhận họ phân biệt giới tính ở mức độ vừa phải. Tình trạng phân biệt giới tính sâu rộng đó tác động đến mọi thứ, từ cơ hội việc làm đến bạo lực gia đình. Theo Viện Khoa học Pháp y và Pháp y Quốc gia Colombia, vào năm 2022, cứ 11 phút lại có một trường hợp bạo lực gia đình.
Theo cuộc khảo sát từ năm 2021 do Tòa thị chính Bogota thực hiện, 51% nam giới ở Bogota tin rằng họ nên tham gia việc nhà, nhưng cũng cho rằng đó không phải là trách nhiệm của mình. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy 76% nam giới cho biết họ muốn học cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn nhưng không biết làm thế nào, trong khi 48% nam giới không thừa nhận cha mình là nhân vật quan trọng trong quá trình nuôi dạy.
Nghiên cứu của Tòa thị chính Bogota cho thấy sáng kiến này đã mang lại một số hiệu quả. Một cuộc khảo sát từ cuối năm 2023 cho thấy nhiều đàn ông và phụ nữ ở Bogota nói rằng sự phân công công việc gia đình đã trở nên bình đẳng hơn so với năm 2021.
Ở Bogota, cách biệt trong giới tính về các công việc chăm sóc đặc biệt rõ ràng. Khoảng 30% nữ giới ở Bogota, tương đương 1,2 triệu phụ nữ, làm công việc chăm sóc toàn thời gian, trung bình 10 giờ/ngày và không được trả lương. Phụ nữ - bao gồm cả những người đi làm có lương - cũng dành trung bình 5 giờ 32 phút cho việc nhà, thay vì 2 giờ 19 phút so với nam giới.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2018, toàn thế giới có 647 triệu người trong độ tuổi lao động làm công việc chăm sóc toàn thời gian và không được trả lương. Những công việc đó bao gồm chăm con, chăm người già, dọn dẹp, nấu ăn. Khoảng 94% trong số họ (606 triệu người) là phụ nữ.
Clara Alemann, Giám đốc chương trình tại Equimundo, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế đấu tranh cho bình đẳng giới, cho biết: “Thế giới không thể hoạt động nếu không có những người phụ nữ này. Họ làm công việc cần thiết để tất cả những công việc khác tồn tại. Nhưng việc nhà vẫn chưa được công nhận đúng mức”.
Trước thực trạng bất bình đẳng giới trong việc nội trợ, Claudia López – nữ thị trưởng đầu tiên của thành phố Bogota – đã mở ra nhiều sáng kiến, khiến nơi đây trở thành một trong số ít thành phố trên toàn thế giới dẫn đầu cuộc cách mạng trong nền kinh tế chăm sóc gia đình.
Năm 2020, thành phố Bogota thành lập “Manzanas del Cuidado” (Khu chăm sóc) đầu tiên. Các trung tâm này cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí cho những người nội trợ, bao gồm giặt là, trợ giúp pháp lý, giữ trẻ ban ngày, hỗ trợ tâm lý, học ngôn ngữ, dạy yoga và khiêu vũ…
Diana Rodríguez, một trong những người phát triển sáng kiến, bày tỏ: “Một phần ba phụ nữ ở Bogota cống hiến cả đời cho việc nhà, nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì dành cho họ”.
Thành phố 7,5 triệu dân này hiện có 22 khu chăm sóc được tài trợ thông qua ngân sách công 800.000 USD hàng năm.
Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2023, gần 250.000 người nội trợ được hưởng lợi từ các dịch vụ này, trong đó 83% là phụ nữ. 37.000 người đã học để lấy bằng tốt nghiệp trung học và đào tạo về kỹ năng máy tính và tiếng Anh.