Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) xác định sự cố trên là do lỗi lắp ráp. Cơ quan này sau đó đã giới hạn chỉ tiêu sản xuất đối với Boeing xuống chỉ 38 máy bay phản lực mỗi tháng. Mặc dù vậy, trên thực tế, tỷ lệ sản lượng hằng tháng của Boeing thậm chí dao động dưới mức này và vào cuối tháng 3 đã giảm xuống mức một con số.
Để lý giải tình hình hiện nay, Boeing đã viện dẫn tuyên bố của Giám đốc Tài chính (CFO) Brian West, trong đó nêu rõ hãng này đang tiến hành các bước cải tổ toàn diện để tăng cường chất lượng và xây dựng lòng tin trong bối cảnh FAA tăng cường kiểm toán.
Phát biểu tại một sự kiện do Ngân hàng Mỹ (Bank of America) tổ chức hồi tháng trước, ông West thừa nhận FAA "đang rất lưu tâm và thực hiện một cuộc kiểm toán chặt chẽ chưa từng thấy đối với Boeing". Các cuộc kiểm tra của FAA đã làm chậm quá trình sản xuất tổng thể và kéo theo đó là những chậm trễ trong quá trình giao hàng của Boeing. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến một số hãng hàng không lớn của Mỹ như Southwest Airlines, Alaska Airlines và United Airlines, khiến các hãng này phải điều chỉnh dự báo công suất cho năm 2024, cũng như tạm dừng tuyển dụng.
Các vụ việc trên khiến cổ phiếu của Boeing mất 25% giá trị trong năm nay, giảm 40 tỷ USD so với định giá thị trường của hãng. Tính đến tháng 2/2024, Boeing đã bàn giao 54 máy bay, trong đó có 42 máy bay MAX, giảm so với 66 chiếc được báo cáo trong hai tháng đầu năm 2023. Trong khi hãng đối thủ châu Âu Airbus nhận 33 đơn đặt hàng trong hai tháng đầu của năm 2024 mà không có đơn đặt hàng nào bị hủy và đã giao 79 máy bay kể từ đầu năm.